Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó xác nhận đối tượng người có công mất hồ sơ gốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, cả nước còn tồn đọng 63.543 hồ sơ kê khai xác nhận người có công (NCC).

Con số này tuy không lớn nhưng lại gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương trong quá trình xử lý, bởi hầu hết các trường hợp đã mất hồ sơ, giấy tờ gốc. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng, diễn ra chiều 4/3.

Tồn đọng 63.543 hồ sơ

Báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho biết, Ban Chỉ đạo T.Ư đã nhận được báo cáo của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và 61/63 tỉnh, TP trực thuộc TƯ. Địa phương hoàn thành sớm nhất là Hà Nội, Bà Rịa Vũng Tàu và Lai Châu chưa có báo cáo. Kết quả rà soát 2.057.285 đối tượng NCC cho thấy, 1.969.242 người (95,72%) được hưởng đầy đủ chính sách; 86.201 người (4,19%) hưởng chưa đầy đủ, và 1.872 người (0,09%) hưởng sai chính sách. Kết quả này khẳng việc thực hiện chính sách đối với NCC về cơ bản là đúng đối tượng, đủ chính sách và đảm bảo về thời gian.
Khó xác nhận đối tượng người có công mất hồ sơ gốc - Ảnh 1

Tặng quà cho các TNXP ở tỉnh Hà Nam. Ảnh: hanam.gov.vn
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra sau đợt Tổng rà soát này. Đơn cử như việc tồn đọng 63.543 hồ sơ kê khai xác nhận NCC ở các địa phương (do chính sách bổ sung, không còn hồ sơ hoặc giấy tờ gốc...). Nguyên nhân là do một số cán bộ ban rà soát, đặc biệt là cán bộ cấp xã một số nơi chưa nắm chắc các chính sách đối với NCC nên việc triển khai tại một số địa bàn còn chậm, lúng túng khi xử lý một số trường hợp cụ thể, giải đáp cho người dân về chính sách NCC chưa thỏa đáng, công tác tổng hợp kết quả còn chậm. Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa vào cuộc tích cực, mới dừng ở việc ban hành văn bản, khâu kiểm tra, đôn đốc chưa được chú trọng. Một số nơi còn thiếu cơ chế thích hợp và thuận tiện để người dân cung cấp thông tin về đối tượng hưởng sai...

Xem xét hồ sơ từng đối tượng

Qua thảo luận, hầu hết các địa phương đều bày tỏ khó khăn trong việc xử lý số hồ sơ kê khai đề nghị xác nhận NCC còn tồn đọng. Bởi các trường hợp này chủ yếu do chính sách bổ sung, đối tượng lại không còn hồ sơ, giấy tờ gốc nên rất khó xác định.

Ông Nguyễn Toàn Khang - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, hiện Thủ đô đã tiếp nhận 1.624 trường hợp hồ sơ xin xác nhận NCC. Theo Thông tư 28, đối tượng không còn giấy tờ gốc phải có hồ sơ, giấy tờ xác nhận từ năm 1995 trở về trước mới được xem xét, đã gây khó cho các địa phương. Ông Khang đề xuất: "Tới đây, chúng ta cần thẩm định, xem xét lại từng trường hợp cụ thể: Hồ sơ được thiết lập sau 1995, hồ sơ các cấp chính quyền chưa xem xét lần nào… để giải quyết cho xác đáng. Bởi lẽ, có thể đối tượng không biết quy định, hoặc bận công việc mà chưa thể làm hồ sơ trước năm 1995".

Về vấn đề này, ông Hoàng Công Thái - Cục trưởng Cục NCC cho rằng: "Ban chỉ đạo cần tổng kết, đánh giá một năm thực hiện Thông tư 28 để tiếp tục hoàn thiện văn bản này, nhằm gỡ vướng cho các địa phương trong quá trình giải quyết số hồ sơ còn tồn đọng, hạn chế tối đa sai sót và tiêu cực".

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị các địa phương giải quyết dứt điểm cho những trường hợp hưởng chưa đầy đủ chính sách trong tháng 3; xem xét, phân tích lại những đối tượng hưởng sai chính sách để tránh trường hợp xử lý sai; với các trường hợp chưa được xác nhận NCC, phải hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, phân công cụ thể để xem xét xác nhận cho đúng, kịp thời.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: Bộ LĐTB&XH xem xét cho những địa phương có số lượng hồ sơ đối tượng chưa hưởng đúng chính sách có thể kéo dài đến 15/4. Các địa phương cần có sự trao đổi giữa 4 tập thể gồm: Lãnh đạo xã; lực lượng Công An và Quốc phòng; Hội liên quan đến đối tượng và ngành LĐTB&XH để đưa ra cách giải quyết cho từng đối tượng cụ thể. MTTQ và các tổ chức đoàn thể cần tiếp nhận thông tin bổ sung nếu có kiến nghị từ người dân. Bộ LĐTB&XH cần tổ chức các đoàn kiểm tra, tập trung ở 21 địa phương hơn 1.000 hồ sơ cần xác nhận NCC. Đến giữa tháng 8, phải có tổng kết đầy đủ để báo cáo chính thức với Chính phủ, Quốc hội và đồng bào cả nước về việc thực hiện Tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với NCC với cách mạng vào đầu tháng 9/2015.