“Khóa van” chính sách… lỗi thời

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo "Thị trường BĐS 2018: Tác động từ chính sách" diễn ra ngày 17/5, nhiều chuyên gia, DN bất động sản (BĐS) đã nhận định: Chính sách như bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển bền vững của BĐS, vướng từ chính sách, phải gỡ từ chính sách.

 Diễn đàn bất động sản 2018. Ảnh: Vân Hằng
Nên dừng rò rỉ
Thị trường địa ốc đang cải thiện và dần lấy lại thăng bằng sau thời gian dài khủng hoảng, song vẫn chịu ảnh hưởng khá nhiều từ các chính sách tài chính, tiền tệ. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP VITC thẳng thắn khi cho rằng có quá nhiều loại thuế đối với DN như thuế BĐS, thuế thu nhập DN, thuế đánh vào người mua và sở hữu BĐS.
“Mỗi dự thảo hay thuế được ban hành đều ảnh hưởng tới tâm lý, đặc biệt là sự quan tâm của DN nước ngoài. Trong bối cảnh đang hội nhập sâu rộng, cần nguồn tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài, theo tôi nên cân nhắc, thận trọng về các dự thảo luật thuế. Như dự thảo Luật Thuế và Tài sản, tôi đề nghị tạm dừng, nếu chưa có thông tin chính thức, không nên rò rỉ thông tin ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư và các nhà kinh doanh BĐS" - ông Cường đưa ý kiến.

Phản hồi về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, đây là việc của Bộ Tài chính. "Chúng tôi có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ và được biết hiện Chính phủ chỉ đạo chưa tăng thuế. Còn câu chuyện mở rộng thu thuế hết sức cân nhắc, bởi ảnh hưởng đến người dân, thị trường và DN. Hiện trong số rủi ro cho vay BĐS vẫn tính đều 200% chia 4 phân khúc thị trường địa ốc. Tuy nhiên 4 phân khúc mức độ rủi ro khác nhau nên sắp tới kiến nghị sẽ nghiên cứu thêm để có trọng số rủi ro chính xác hơn với từng phân khúc" - Ông Lực nói.

Tôn trọng cung – cầu

Các chuyên gia BĐS đều cho rằng, tinh thần chủ yếu là hậu kiểm chính sách, nên càng làm càng phát hiện ra chỗ nào chưa ổn. Phải chấp nhận hiện trạng như thế để tiếp tục chấn chỉnh, sửa đổi. Cho nên câu chuyện chính sách “lệch pha” với thực tế chưa thể hết ngay.

Trao đổi về “cơn sốt địa chấn” của 2 đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), các chuyên gia đặc biệt quan tâm tới chủ trương tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng đất ở các địa phương dự kiến trở thành đặc khu kinh tế. Đi tìm câu trả lời cho tranh luận này, ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Thế kỷ CEN Group cho rằng nên tuân thủ quy luật khách quan của kinh tế thị trường.
Ông Hưng phân tích, quy luật cung cầu nhằm điều tiết toàn bộ các hành vi, giá cả, luồng tiền của nhà đầu tư. Xin hỏi, nếu khách hàng chưa mua được đất hay nhà có muốn lên giá không? Như vậy, quy luật cung cầu sẽ quy định tất cả. Nếu nguồn cung đủ, cân bằng với cầu sẽ đạt mức bình ổn nhất định. Thiếu hoặc thừa đều ảnh hưởng đến thị trường. Nếu hiểu quy luật biến động thị trường sẽ biết trạng thái cân bằng rất mong manh. Thiếu cần bổ sung, nhưng bổ sung quá đà sẽ thừa, đó là quy luật hình sin. Cái hay ở đây là biến thiên theo chu kỳ hình sin, không cùng pha, không cùng biên độ nên có lúc chứng khoán lên, BĐS xuống và có khi BĐS xuống thì vàng bạc, ngoại tệ lên…

“Thời buổi hiện nay chúng ta phải hòa nhập với quốc tế. Kinh tế thị trường là kim chỉ nam cần tuân thủ. Giai đoạn vừa qua các đặc khu kinh tế phát triển quá nóng có thể đây là giải pháp tạm thời của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta không nên làm như vậy, sẽ kìm hãm thị trường" - ông Nguyễn Thế Điệp – Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng nhìn nhận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần