Khoán xe công, cần quy định cụ thể

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Việc Bộ Tài chính thực hiện thí điểm khoán xe công cho 6 Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (các Tổng cục trưởng và tương đương) từ ngày 1/10 tới đang được đông đảo người dân đánh giá cao.

Đây không phải là lần đầu tiên chủ trương khoán xe công được triển khai nhưng đây là lần đầu tiên, việc khoán xe bắt buộc cho một số chức danh được đưa vào quy định cụ thể.
 Ảnh minh họa
Đi taxi, xe ôm và các loại xe dịch vụ khác trong quá trình làm nhiệm vụ được rất nhiều cái lợi. Đi lại thuận tiện, chủ động về thời gian, lái xe không mất công chờ đợi và tiết kiệm ngân sách… - đó là những “điểm cộng” của việc khoán xe công. Mặc dù chủ trương này ra đời từ năm 2006, nhưng sau 10 năm chỉ có…  2 quan chức thực sự bỏ xe công để đi taxi, xe ôm đến cơ quan! Đó là ông Trần Quốc Thuận - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (năm 2006) và ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (năm 2014). Chính vì thế, sau thời gian làm thí điểm tại một số cơ quan, chủ trương này đã nhanh chóng “chết yểu”. Nguyên nhân được cho là vì chủ trương khoán vẫn trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc, không có những quy định cụ thể, minh bạch và công bằng, mà vẫn theo kiểu “thích thì làm, không thích thì thôi”. Theo số liệu của Bộ Tài chính, mỗi năm ngân sách đang phải chi khoảng 13.000 tỷ đồng nuôi xe công.
Rõ ràng, chủ trương khoán xe công là cần thiết. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu. Để thực hiện mở rộng và lâu dài, Bộ Tài chính cần có các quy định, tính toán cụ thể xem chi phí để nuôi một lái, một xe như trước đây là bao nhiêu. So với cách sử dụng xe công cũ, việc khoán này có hiệu quả hơn như thế nào, tiết kiệm được bao nhiêu. Bước đầu khoán từ nhà đến cơ quan, còn trong quá trình đi công tác thì các chức danh này đi xe chung của cơ quan hay đi xe riêng... Ngoài ra, các quy định cũng cần rõ ràng và công bằng, không để “người này nhìn người kia”. Song, việc khoán phải có lộ trình cụ thể, sau thí điểm cần nhân rộng thêm nhiều chức danh và các bộ, ngành khác cũng buộc phải thực hiện để đảm bảo sự công bằng. 
Bên cạnh đó, cũng có một thực tế khác là hiện tại một số địa phương, như TP Hà Nội, tình trạng thiếu xe công phục vụ cho nhu cầu công tác cũng rất lớn. Tại nhiều cơ quan Nhà nước, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng các xe công cũ nát cũng “ngốn” khá nhiều chi phí. Vì vậy, một quy chế khoán được đưa ra rõ ràng, minh bạch cũng sẽ khắc phục được tình trạng nhu cầu công việc nhiều nhưng thiếu xe công hiện nay.