Vẫn còn lãng phí lớn trong đầu tư công
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) cho rằng, thực hiện Nghị quyết số 74 của Quốc hội, đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53 để triển khai và cụ thể hóa thành 6 giải pháp chung và 26 nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, cử tri cho rằng, hiện nay đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí rất lớn.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết quan điểm trước ý kiến này của cử tri? Với trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ trên lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả, giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công?.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp giải quyết vấn đề chồng chéo quy định về sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm, sửa chữa trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy, nâng cấp tài sản công giữa Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước?.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, hiện còn những vướng mắc trong triển khai thực hiện do chưa hiểu đầy đủ, thống nhất về chi thường xuyên, chi đầu tư.
Trước quan điểm cho rằng quy định về các định mức không phù hợp gây ra lãng phí trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, qua nghiên cứu định mức xây dựng đối với một số công trình giao thông, kiến trúc cho thấy không thấy lãng phí mà nhiều định mức thấp hơn so với chi phí như định mức nhân công. Lãng phí đầu tư công không phải ở định mức mà là ở quá trình triển khai như để công trình chậm đưa vào sử dụng, vốn chờ công trình hay công trình chờ vốn... Các định mức đối với công trình xây dựng cơ bản được triển khai nhiều năm, qua nhiều công trình đều bảo đảm chặt chẽ, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, về chi thường xuyên, vấn đề không hẳn là do Luật Đầu tư công, mà còn liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước. Về việc sửa chữa nâng cấp, hiện nay công tác này vẫn được triển khai bình thường, không có vướng mắc. Về đầu tư mới, phải thực hiện theo quy trình quy định trong Luật Đầu tư công.
Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội nội dung, với dự án dưới 15 tỷ, thì có thể thực hiện dự án từ chi thường xuyên. Vấn đề này sẽ được Quốc hội quyết định.
Về tiết kiệm trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ đồng tình với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, về vấn đề đầu tư công, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát, có thể từ khâu lựa chọn dự án, có thể do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu; công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt, quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí. Ngoài ra, còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công.
Nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công
Tranh luận về công tác quản lý tài sản công, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, mặc dù đã có Luật Quản lý tài sản công, Chính phủ đã ban hành một loạt nghị quyết, đặc biệt mới đây Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 74. Tuy nhiên, vấn đề quản lý tài sản công vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ lộ trình, trách nhiệm, thời gian cụ thể điều chỉnh cơ chế, chính sách, hạn chế tình trạng lãng phí, tiêu cực.
Trả lời ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, công tác này thuộc thẩm quyền của nhiều ngành, nhiều cấp, trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công, thủ trưởng của các đơn vị quản lý tài sản công, nếu mất mát thì trách nhiệm là ở cơ quan quản lý tài sản đó. Bộ Tài chính có vai trò hướng dẫn các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, định mức kinh tế kỹ thuật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, vấn đề cần thực hiện hiện nay là nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công, cụ thể hóa, cá thể hóa đến từng người quản lý tài sản. Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh đôn đốc, thanh tra, kiểm tra đối với công tác này.
Trả lời chất vấn của đại biểu về quản lý tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tài sản công cấp tỉnh thuộc quyền quản lý của UBND các địa phương. Đối với tài sản công thuộc cấp trung ương do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu Chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các bộ, ngành.
Bộ trưởng khẳng định, đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10% với gần 1 nghìn tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.
Khi chuyển tài sản công cho các cơ quan, đơn vị ở nhiều địa bàn khác nhau không có nhu cầu. Hơn nữa, khi muốn định giá để bán tài sản công, cũng khó thì được cơ quan định giá. Ngoài ra, để chuyển tài sản công sang mục đích khác để tổ chức đánh giá, những cái trụ sở này được phê duyệt lại về quy hoạch sử dụng đất và phải chuyển mục đích sử dụng đất cũng phải chuyển đích sử dụng đất và phải điều chỉnh lại quy hoạch, phải làm một loạt các thủ tục khác.
Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn và có văn bản đôn đốc đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm, xử lý các tài sản công này, đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.