70 năm giải phóng Thủ đô

Khoảng 7.500 nạn nhân bị mua bán được giải cứu

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 11/9, Bộ LĐTB&XH đang tổ chức Hội thảo “Rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà tham dự và chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà thông tin, tình hình mua bán người tại Việt Nam có chiều hướng ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia, từ năm 2012 đến 2017 lực lượng chức năng đã giải cứu được khoảng 7.500 người.
 
Đáng lưu ý, nạn nhân bị mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em chiếm trên 90% và có đến 80% thuộc dân tộc ít người. Có đến 70% nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; họ chỉ làm ruộng hoặc không có việc làm.
Có 37,2% nạn nhân không biết chữ, thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, tâm lý nhẹ dạ cả tin.
Báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia cũng chỉ ra, nạn nhân bị bán ra nước ngoài chiếm trên 80%, trong đó chủ yếu là sang Trung Quốc chiến hơn 75%. Các nạn nhân là phụ nữ bị bán ra nước ngoài đa số bị ép kết hôn làm vợ và bóc lột tình dục chiếm đến gần 80%.
Đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân đã được xây dựng, làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai công tác này ở các địa phương. Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Hiền – Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH, đến nay công tác này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức về cơ chế chính sách, để có cơ sở cho việc sửa đổi bổ sung chính sách, chế độ hỗ trợ cho nạn nhân. Đặc biệt là vấn đề hỗ trợ dịch vụ, đáp ứng kịp thời các nhu cầu tối thiểu của nạn nhân trong quá trình hòa nhập với cộng đồng, xã hội.