Khoảng cách giữa hai thế hệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một người đàn ông liên tục “điên” lên vì con trai một năm chuyển chỗ làm hai lần. Ông dạy con rằng phải xin vào làm ở cơ quan Nhà nước cho ổn định, nhưng con ông lại kiên quyết xin vào làm ở công ty nước ngoài.

Tưởng thế cũng tạm chấp nhận, nhưng chưa đầy 3 tháng, cậu đã bỏ chỗ ấy sang chỗ khác chỉ vì lương cao hơn và cơ hội đi học thêm cũng lớn hơn. Mỗi lần như thế, ông hỏi: "Con nghĩ kỹ chưa?", cậu thản nhiên: "Con nghĩ kỹ rồi!".
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Không chỉ trong chuyện lựa chọn nghề nghiệp, chỗ làm, mà trong mọi lĩnh vực của đời sống, ông và con cũng đều có những bất đồng. Ông liên tục nhiếc mắng con vì “Chẳng coi cha mẹ ra cái gì, đều tự quyết hết. Đảo lộn hết cả rồi, hư hỏng hết rồi”. Mỗi khi con đưa ra lời nhận định, bình luận nào đó về cuộc sống, ông cũng thường mắng át: "Đừng có trứng khôn hơn vịt!".

Cứ thế, mâu thuẫn ngày càng lớn khi cậu con trai luôn làm không đúng với ý ông. Mọi chuyện ngày càng tệ hơn cho đến khi người con “tạm ra ngoài sống” và gửi lại cho ông một lá thư. Trong lá thư ấy, con trai ông viết: "Con thật buồn khi bố và con không hiểu nhau. Ngày xưa, bố 19 tuổi vào Nam chiến đấu. Xa gia đình, xa ông bà nội, bố có "hư hỏng" đâu. Vậy mà bây giờ con đã 25 tuổi, nhưng bố lại suốt ngày theo dõi, chê bai cuộc sống của con? Bạn bè chiến đấu của bố đến chơi, chỉ nói chuyện chiến trường. Không những thế, còn chế nhạo bọn con, mặc dù con cũng có mặt ở đó, con đâu dám phản ứng gì. Vậy tại sao bạn bè con tới chơi, chúng con bàn chuyện làm ăn, bố lại mắng "toàn chuyện linh tinh"? Con nghĩ bố con mình không thể nói ai đúng, ai sai. Chỉ có điều, mỗi thời đại, mỗi thế hệ đều có những giá trị của riêng mình. Để chung sống, chúng ta cần tôn trọng nhau, chứ không phải chỉ yêu cầu con cái tôn trọng bố mẹ, còn bố mẹ có quyền mạt sát con cái...".

Từ lá thư ấy, ông chợt hiểu ra rằng ông đã áp đặt những suy nghĩ của mình, hay nói đúng hơn là những lý tưởng của thế hệ mình lên con, mà quên đi sự định hướng, chỉ bảo cũng dựa trên sự tôn trọng từ hai phía đúng như con ông nói. Hơn thế nữa, con ông đã lớn, đã có những định hướng của riêng mình và sống trong cuộc sống hiện đại với những giá trị, chuẩn mực riêng. Có lẽ thay vì trách con, ông phải điều chỉnh lại cách sống, cách suy nghĩ của mình. Đã đi hết gần cả cuộc đời, ông thấy mình vẫn cần rèn những kỹ năng sống để hiểu con hơn.