“Khoảng chờ” quý giá cho các doanh nghiệp chuẩn bị hội nhập TPP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ngành sản xuất trong nước sẽ chịu thách thức lớn khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, các DN vẫn còn đủ thời gian để chuẩn bị cho hội nhập vì phải tới đầu năm 2018, Hiệp định mới chính thức có hiệu lực tại tất cả các quốc gia thành viên.

Thông tin này được chia sẻ từ bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) .

Nông nghiệp, dệt may chịu nhiều thách thức

Theo các chuyên gia, tham gia Hiệp định TPP, nhiều ngành của Việt Nam chịu tác động, trong đó, nông nghiệp sẽ chịu thách thức rất lớn, vì quy mô sản xuất trong nước không lớn, cạnh tranh trong khu vực ASEAN đã khó, chưa kể đến việc cạnh tranh với Mỹ, Australia, New Zealand. Lâu nay, nông dân Việt Nam chỉ chú tâm sản xuất mà không quan tâm tới thị trường, vì thế mới có câu chuyện cứ “được mùa là rớt giá”. Do đó, để ngành nông nghiệp tận dụng được cơ hội từ hội nhập cần xây dựng lộ trình phát triển bài bản, có tư duy đổi mới, cải cách khâu phân phối, tăng tính liên kết giữa nhà nông - DN để khơi thông đầu ra cho nông nghiệp.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang. 	Ảnh: Huy Hùng
Chế biến cá tra xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Huy Hùng
Không riêng nông nghiệp, dệt may cũng gặp khá nhiều khó khăn. Theo đại diện VCCI, đối với Mỹ, dệt may là một trong những ngành “nhạy cảm”, Việt Nam lại là nước xuất khẩu lớn thứ hai vào nước này (sau Trung Quốc), nên Mỹ đã yêu cầu đàm phán một chương riêng về dệt may trong TPP, tách ra khỏi đàm phán chương 3 về mở cửa thị trường đối với hàng hóa nói chung. Do đó, DN cần lưu ý, vì được đàm phán riêng nên các vấn đề của dệt may (trừ thuế quan được quy định chung trong biểu thuế quan cho tất cả các hàng hóa) được quy định riêng, khác biệt so với các hàng hóa khác. DN dệt may cần lưu ý xem chương 4 (dệt may) trước khi xem các nội dung khác của TPP.

Chia sẻ về TPP, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, TPP cũng giống như các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam đã và đang thực hiện, có cả mừng và lo. Việt Nam sau 20 năm gia nhập ASEAN vẫn nằm trong 4 nước phát triển thấp cùng với Lào, Campuchia và Myanmar, vẫn nhận những ưu đãi dành cho những nước phát triển thấp. Liệu tham gia các FTA mới, Việt Nam có thực sự tận dụng được các lợi ích và bứt lên?

Không quá bi quan, song nhìn từ thực tế chỉ có khoảng 30% DN Việt Nam tận dụng được các lợi ích từ các FTA, trong 30% đó, chủ yếu DN FDI (70%) tận dụng thành công thì những lo ngại của bà Lan là có cơ sở. Để thay đổi tỷ lệ này, theo ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), DN phải thay đổi cách làm, tích cực chuẩn bị mọi nguồn lực cũng như hiểu biết về TPP, ít nhất là nắm được các cam kết ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của mình.

Còn thời gian để chuẩn bị

Theo tính toán của đại diện VCCI, các DN hiện vẫn còn thời gian để chuẩn bị. Dự kiến, sau khi hoàn tất việc rà soát hiệu chỉnh nội dung văn kiện và được cho phép theo quy định nội bộ, các nước TPP sẽ chính thức ký kết Hiệp định vào đầu quý I/2016 (thông tin mới nhất là sẽ diễn ra vào ngày 4/2 tới tại Auckland, New Zealand - PV). Thời gian để các nước tham gia TPP có thể hoàn tất các bước rà soát pháp lý, ký kết và đặc biệt là phê chuẩn theo các thủ tục nội bộ của từng nước sẽ là khoảng 2 năm, tức khoảng đầu năm 2018, TPP mới có thể có hiệu lực.

Như vậy, trong thời gian này, TPP chưa có hiệu lực và các nước thành viên cũng như DN đều chưa phải thực thi các cam kết. Vì vậy, theo bà Trang, đây là “khoảng chờ” quý giá để DN có thể chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm tận dụng cơ hội cũng như sẵn sàng cho cạnh tranh ngay khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam.