Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khoảng lặng trong gia đình hiện đại

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một thực trạng được nhiều nghiên cứu về gia đình chỉ ra, những gia đình sống ở TP lớn, mối quan hệ giữa các thành viên đang trở nên lỏng lẻo.

Một phần do cuộc sống bận rộn cuốn mỗi người về mỗi ngả, phần không nhỏ khác còn do sự tác động của những lối sống, phương tiện sống hiện đại.
Bên nhau trong “im ắng”

Một buổi tối, chị Thanh Hà đến nhà người bạn ở quận Hai Bà Trưng chơi. Từ ngoài nhìn qua cửa kính vào phòng khách, đập vào mắt chị là cảnh bốn người trong gia đình bạn chị đều ngồi ở phòng khách, quây quần bên nhau, nhưng trên tay mỗi người là một chiếc điện thoại. Có lẽ không ai nói với ai một câu gì, bởi mọi người cứ cắm cúi với cái màn hình đang sáng lên trước mặt. Chị cứ đứng nhìn mãi và chợt nhận ra rằng, đó cũng là cảnh “sum họp” của gia đình chị mỗi tối.

Gia đình chị Thanh Hà sống ở Thanh Xuân, cũng có 4 người, vợ chồng chị và hai đứa con đều đang học tiểu học. Sau giờ cơm tối, hai đứa trẻ nếu không phải học bài sẽ ngồi ở phòng khách với bố mẹ. Có lẽ chúng cũng muốn được trò chuyện với mẹ, được chơi đùa với bố. Nhưng lúc đó chị còn đang mải tán chuyện với bạn bè trên facebook hay lướt web, anh cũng đang “cắm mặt” vào smartphone với game chơi dở. Nhìn hai đứa phụng phịu, anh chị “ném” cho chúng cái máy tính bảng. Thế là cả 4 người không ai nói với ai câu nào, tự vui với cái thế giới ảo trước mặt. Cái cảnh ấy cứ thế lặp đi lặp lại trong nhịp sống hàng ngày của gia đình chị Hà. Cả nhà cứ thế ở bên nhau trong im lặng. Họ đang kết nối với thế giới, nhưng lại không còn kết nối với nhau. Họ ở bên nhau mỗi tối đấy, nhưng đâu có tiếng cười hạnh phúc.

Ảnh minh họa.

Hiện với rất nhiều gia đình ở Hà Nội, các thiết bị hiện đại đã làm thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, hay nghiêm trọng hơn, có thể gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa các thành viên. Bà Ngọc Anh (quận Cầu Giấy) than thở, đã lâu lắm rồi bà không còn thấy cảnh gia đình mình ngồi trò chuyện với nhau. Có chăng chỉ có bà nói, con cái ậm ừ cho xong, bởi mỗi người đều đang tự giải trí với những thiết bị kỹ thuật số riêng của mình. Trong ngôi nhà khang trang, tối tối đều đầy đủ mọi người, nhưng bà cứ thấy “vắng hoe” buồn bã, bởi đâu có ai nói với ai câu nào. Âm thanh có lẽ chỉ từ chiếc tivi.

Nỗi niềm của gia đình bà có lẽ cũng là nỗi niềm chung của nhiều gia đình giữa nhịp sống Thủ đô hiện đại. Không ít người dường như không có nhu cầu nói chuyện với nhau trong gia đình. Giây phút bên nhau bị xén bớt, ít ỏi đến lạ lùng, không còn tiếng cười rộn rã bên mâm cơm tối, những hoạt động chung trong gia đình như cùng nhau xem tivi, trò chuyện cũng thưa dần.

Không chỉ ở nhà, mỗi lần cả gia đình anh Mạnh Tân (quận Đống Đa) kéo nhau ra quán cà phê để đổi gió. Nhưng cái cảnh họ ngồi bên nhau cũng im lặng không đổi khác. Bởi ra quán cà phê, câu đầu tiên họ hỏi chủ quán là mật khẩu wifi của quán. Gọi đồ uống xong, mỗi người nhanh chóng đăng nhập rồi chúi mặt vào màn hình điện thoại, vừa lướt vừa uống, đến khi ly nước cạn, ngồi thêm chút "viết cho xong status" rồi đứng dậy tính tiền ra về. Không ai nói với nhau một câu gì, ai làm việc đó.

Xóa đi khoảng lặng

Lý giải cho cái cảnh “bên nhau trong im lặng” ấy, có người cho rằng, vì công nghệ hấp dẫn, vì nhu cầu tìm hiểu, cập nhật, trao đổi thông tin… Nhưng cái cảnh vợ chồng ngồi bên nhau, nhưng dường như không còn ý thức về sự tồn tại của nhau có gì đó không ổn. Là gia đình, nhưng họ đang lãng quên những cuộc nói chuyện với nhau, những bàn tán, và rồi dẫn đến việc hạn chế sự quan tâm, chia sẻ cùng nhau. Cũng bởi phương tiện sống hiện đại, nên những cuộc giận hờn, cãi vã, làm lành, thậm chí là đoán cảm giác của nhau cũng thông qua những gì được viết lên status. Những câu xin lỗi, biết ơn giữa vợ chồng, con cái cũng khó nói thành lời, cứ nhờ bàn phím, gõ cho xong.

Nhiều nghiên cứu về gia đình ở Hà Nội đã chỉ ra rằng, điều này đồng nghĩa với việc giao tiếp ít hơn, các thành viên sẽ dần ít hiểu nhau hơn, rồi có thể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có. Trách nhiệm của họ với công việc chung của gia đình bị lơ là và ảnh hưởng cả đến việc quan tâm, chăm sóc con cái. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, khoảng 20% ông bố và 7% bà mẹ không có thời gian dành cho con cái, 1/3 bậc bố mẹ khẳng định khó khăn về thời gian. Tức là họ gặp khó khăn về thời gian nhiều nhất để trò chuyện cùng con. Trong đó, các bậc bố mẹ ở thành thị gặp rắc rối này nhiều hơn bố mẹ ở nông thôn.

“Không dành thời gian cho nhau mỗi ngày sẽ làm mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên lỏng lẻo và có thể dẫn đến tình trạng xa cách, ít quan tâm đến nhau, trách nhiệm của mỗi người dần dần nhạt phai. Lâu dần, mọi thành viên sẽ thấy không còn cần nhau, thậm chí gia đình cũng chỉ là nơi trú ngụ” - Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy nhận định.

Trong các kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 hay trong xây dựng gia đình Hà Nội, một vấn đề cũng được nhắc đến như là mục tiêu là các gia đình dành thời gian chăm sóc, quan tâm đến nhau. Có lẽ khó có thể quan tâm đến nhau thực sự, nếu những khoảng lặng trong gia đình hiện đại không được xóa bỏ bởi chính người trong cuộc.