Khoảng trống tâm linh được lấp đầy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trên chính ngôi nhà mình làm chủ, người ta mới dám thắp nén hương lên bàn thờ lúc cuối năm, mời vong linh ông bà, tổ tiên, mẹ cha… những người đã khuất về ăn Tết. Bao người lần đầu đón Tết tại khu nhà ở xã hội của TP Hà Nội đã phải chờ đợi rất nhiều năm, để được nói câu “mời mẹ, mời cha…” ấy khi Tết đến, Xuân về.

Bát nước xuýt đêm Ba mươi

Khi người ta nghèo thì tủi phận người sống, đắng cay vong linh người đã khuất. Câu chuyện chua chát mà nhiều đời hay kể về kiếp nghèo là chuyện “Bát nước xuýt đêm Ba mươi”… Nhà nghèo, nợ nần quanh năm nhưng đêm Ba mươi Tết cũng cố kiếm miếng thịt, luộc lên đặt trên bàn thờ thắp hương, mời vong linh ông bà, cha mẹ về ăn Tết cùng cháu con. Chả dè chủ nợ đi bắt nợ đêm cuối năm, đến nhà chả có gì, thấy mỗi đĩa thịt trên bàn thờ, bèn lấy đem đi, lại lấy nốt cả cái nồi luộc thịt. Nhà nghèo thương vong linh cha mẹ ngày Tết chẳng có gì ăn Tết, chạy theo lạy van xin chỗ nước xuýt (nước luộc thịt) để thắp hương mẹ cha. Chủ nợ cám cảnh đành gật đầu. Nhà nghèo không có đồ đựng nhưng sợ chủ nợ đổi ý, bụm tay hứng chỗ nước xuýt bỏng rát mang vào nhà… Chắp đôi tay phồng rộp, khấn mời mẹ cha về ăn Tết với độc cái bát nước xuýt toen hoẻn trên bàn thờ… Kiếp nghèo sao mà đắng cay?
Ảnh: Công Hùng
Ảnh: Công Hùng
Chuyện chua chát, cay đắng đến thế mà mấy vị vừa chuyển về ở khu nhà ở xã hội Đặng Xá, Gia Lâm cười ha hả: “Khổ gì? Cay đắng gì? Cái nhà nghèo trong chuyện ấy còn sướng gấp vạn lần bọn tôi. Nhà ấy còn có cái nhà để đặt bàn thờ ông bà, cha mẹ… Bọn tôi đến bây giờ mới có chỗ đặt bàn thờ ông bà đây này”. Cười đấy nhưng cũng lại thoáng ngậm ngùi ngay. Hầu hết những người vừa mới chuyển về đây cũng đã nhiều năm ở nhà thuê, nay chỗ này, mai chỗ khác. Đã ở nhà đi thuê còn bày vẽ thắp hương mời ông bà về ăn Tết làm gì? Anh Nguyễn Bảo Thắng vừa chuyển về khu nhà NO2 tặc lưỡi: “Quả nếu có một thế giới bên kia thật, mời các cụ về, các cụ lại càng buồn, càng tủi thân hơn khi nhìn cảnh con cháu ở thuê, ở mướn”.

Nhưng tại Hà Nội thì không cần phải nghèo, người ta cũng vẫn cứ phải chịu cái khoảng trống tâm linh lúc cuối năm ấy, bởi giá nhà đất đắt quá. Anh Nguyễn Bảo Thắng là phóng viên kỳ cựu báo Tiền Phong mà cũng phải mất tới năm, sáu năm tích cóp mới mua được căn nhà ở đây, để đón bố mẹ từ Lào Cai xuống ở. Bố mẹ yếu, để ở trên quê thì anh không thể yên tâm, mà cứ chạy đi chạy lại suốt, lấy đâu thời gian công tác. Ông bà lại không chịu ở nhà thuê vì ông giải thích cũng có lý: “Ở nhà thuê thì đặt bàn thờ tiên tổ chỗ nào?”. Cậu con trai chí hiếu cười bảo: “May là có khu nhà ở thu nhập thấp này, nếu không với hơn 200 triệu tích cóp được, còn lâu mới có nhà Hà Nội cho bố mẹ ở”.

Tại khu nhà ở xã hội Đặng Xá, có rất nhiều những cặp vợ chồng công chức trẻ. Lộ trình để có ngôi nhà ở khá khắt khe nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có quyết tâm và chắt chiu: Vợ chồng khi lấy nhau, mỗi người có chút tích lũy hoặc bố mẹ hai bên hỗ trợ tiền, nộp trước khoảng 200 triệu. Sau khi lấy nhau, chi phí sinh hoạt tằn tiện trong số tiền lương của 1 người, lương của người kia dành để trả những đợt tiếp theo. Có lẽ “vừa miếng” như vậy nên với 1.500 căn nhà ở xã hội tại Đặng Xá, hơn 90% căn hộ đã có chủ. Diện tích từ 45 đến 69m2 với giá 9 triệu đồng/m2.

Không chỉ giải quyết chỗ ở, các khu nhà ở xã hội của thành phố đã góp phần lấp đầy những khoảng trống tâm linh cho nhiều người khi Tết đến, Xuân về… Với người Việt Nam, điều ấy nhiều khi còn quan trọng hơn những giá trị vật chất.

“Năm mới nói chuyện cũ”

Có đôi “chim bồ câu” khá nổi tiếng của khu nhà ở xã hội này: Ông Nguyễn Công Đài, bà Đặng Thị Liêm. Ông bà được nhiều người biết bởi hay tham gia biểu diễn văn nghệ, lại là thày dạy khiêu vũ của cả khu. Hai vợ chồng là cựu chiến binh, bà dân Phú Thọ, ông dân Hà Nội gốc, khi lấy nhau được gia đình nhà nội chia cho căn phòng 16m2 ở căn nhà chung 46 – Lò Đúc, rồi sinh con đẻ cái, 6 con người vài chục năm trời sống chen chúc. Ước mơ có một gian phòng rộng rãi luôn thường trực suốt mấy chục năm nhưng kiếm đâu ra tiền. Con cái lấy vợ, lấy chồng phải ra thuê nhà ở riêng, đến lúc bà mẹ già mất, cả đại gia đình quyết định bán cả căn nhà chung. Hai ông bà Đài – Liêm được chia 500 triệu đồng. Số tiền ấy lớn so với ông bà nhưng không thể mua nổi chỗ để ở.
Khoảng trống tâm linh được lấp đầy - Ảnh 1
Chỉ đến khi khu nhà ở xã hội tại Đặng Xá hoàn thành, ông bà mới được làm chủ căn hộ gần 50m2 nhìn ra công viên tràn ngập hoa và nắng. Căn nhà mới chẳng rộng rãi lắm nhưng so với căn nhà cũ thì nó đã là thiên đường. Ông bà vui sướng lắm, năm nay là năm đầu tiên mà các con không phải “chia ca” chúc Tết bố mẹ. Bà Liêm bảo: “Nhà cũ 16m2, 3 con tôi mỗi nhà 4 người, thêm hai vợ chồng tôi với bà cụ là 15 người cả thảy, tập trung cả thì ngồi vào đâu. Năm nay là năm đầu tiên nhà tôi có bữa cơm Tết đầy đủ mọi người. Với nhà người ta, cả nhà ăn chung bữa cơm là bình thường, với nhà tôi, bữa cơm đoàn viên ấy là mơ ước bao năm nay”…

Với niềm vui đón Tết của người dân tại các khu nhà ở xã hội tại Thủ đô, càng khẳng định Hà Nội rất cần phát triển quỹ Nhà ở xã hội trong tương lai. Không cần bàn cãi về sự cần thiết của nhà ở xã hội nữa, tuy nhiên, vẫn còn những việc cần nghiên cứu, hoàn thiện để niềm vui của người dân được trọn vẹn. Mua nhà ở xã hội an toàn do được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về giá bán, thuế giá trị gia tăng, hay lãi suất vay thấp theo gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, mua nhà ở xã hội an toàn hơn khi cơ quan quản lý nhà nước đã thay mặt người mua nhà kiểm tra tính pháp lý cũng như tiến độ của dự án. Hơn nữa, các dự án nhà ở xã hội còn được đảm bảo về tiến độ của dự án. Nhưng bên cạnh những ưu điểm nổi bật ấy thì thời hạn được phép sang nhượng, mua bán những căn nhà này là điều người dân ở các khu nhà ở xã hội thấy bất cập.

Ai cũng mong muốn có được cuộc sống tốt hơn, nhà ở tốt hơn bất cứ khi nào điều kiện kinh tế cho phép. Còn trên thực tế, việc sang nhượng “chui” nhà ở xã hội chưa đủ thời hạn cho phép vẫn cứ diễn ra, việc này sẽ còn kéo theo bao tiêu cực, hệ lụy sau đó.

Năm cũ qua, năm mới tới… Mỗi một năm sẽ lại có những điều chỉnh, nhằm hoàn thiện hơn loại hình nhà ở xã hội, để người dân thụ hưởng chính sách nhà ở đầy tính nhân văn này sẽ có được những niềm vui trọn vẹn.         
Hiện tại, TP. Hà Nội đã có 58 dự án nhà ở xã hội được triển khai, trong đó đã hoàn thiện 8.000 căn hộ. Tới năm 2020 sẽ có 15.804 căn hộ loại này tại Thủ đô. Nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội có 1.466 căn hộ. Cơ bản đã bàn giao hết cho các hộ dân trước Tết.