Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt với tổng mức đầu tư của dự án gần 8.000 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư bằng Ngân sách nhà nước do Ban Quản lý dự án 85 - Bộ GTVT làm chủ đầu tư Dự án.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết: Sau hơn 12 tháng triển khai, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm, dự án cầu Đại Ngãi đã đủ điều kiện khởi công theo đúng quy định.
Công trình có tổng chiều dài tuyến khoảng 15 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 54 (thuộc địa phận xã Hùng Hòa), điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu (thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Dự án gồm 2 công trình cầu chính (cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2) bắc qua sông Hậu, được đầu tư hoàn chỉnh với 4 làn xe, phần tuyến đầu tư phân kỳ với giai đoạn 1 gồm 2 làn xe với bề rộng mặt cắt ngang là 12,m, vận tốc thiết kế 80 km/h, mặt đường cấp cao A1.
Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 có chiều dài 2.560 m, mặt cắt ngang cầu rộng cầu là 19 m, phần cầu chính dạng kết cấu cầu dây văng có chiều dài nhịp chính 450 m lớn thứ 2 Việt Nam sau khi hoàn thành (sau cầu Cần Thơ và bằng cầu Vàm Cống). Cầu Đại Ngãi 2 dài 862 m, mặt cắt ngang cầu rộng cầu là 17,5 m, cầu chính dạng kết cấu cầu đúc hẫng với tổng chiều dài 330 m.
Công tác giải phóng mặt bằng được tách thành tiểu dự án riêng do UBND 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng tổ chức thực hiện với tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 446 tỉ đồng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau khi hoàn thành, cầu Đại Ngãi sẽ nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TP HCM. Đồng thời, rút ngắn khoảng 80 km so với tuyến Quốc lộ 1A khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP HCM. Từ đó, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, giúp phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và vùng ĐBSCL, đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực ven biển phía Nam.
Phát biểu tuyên bố khởi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với phát triển hạ tầng giao thông và phát triển 6 vùng kinh tế-xã hội, trong đó có vùng ĐBSCL.
Với dự án cầu Đại Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan đã chỉ đạo quyết liệt và có những biện pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để triển khai dự án (rút ngắn 11 tháng). Việc xây dựng cầu Đại Ngãi có ý nghĩa quan trọng để triển khai chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về đột phá chiến lược về hạ tầng cũng như về phát triển các vùng.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải quyết liệt chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, tập trung nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương liên quan, UBND tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban Quản lý dự án và các nhà thầu thi công. Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm nguyên vật liệu cho các dự án; các tỉnh trong vùng ĐBSCL có mỏ nguyên vật liệu xây dựng ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho dự án, cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật...