Khởi đầu buồn của một “tân binh” trên sàn chứng khoán

An An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Khác với “sóng” cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua, “tân binh” SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) lại có khởi đầu không mấy suôn sẻ khi đỏ sàn liên tục, thậm chí, “nằm sàn” ngay phiên đầu ra mắt.

Hai phiên “chào sàn”, cổ phiếu SGB “bay” 40,7% giá trị
Tuần qua, cổ phiếu SGB của Saigonbank chính thức lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 25.800 đồng/ cổ phiếu vào ngày 15/10. Trong phiên chào sàn, SGB đã giảm kịch biên độ (40%) về còn 15.500 đồng cuối phiên. Tại phiên này, tổng số cổ phiếu được trao tay đạt gần 660.000 cổ phiếu. 
 Chỉ sau 2 phiên chào sàn, cổ phiếu SGB đã bị thổi bay hơn 40% giá trị
Phiên tiếp theo 16/10, SGB tiếp tục “lao dốc” nhưng mức giảm đã “hãm” lại tốt hơn khi chỉ giảm 10% Trong phiên này, khối lượng giao dịch cũng giảm mạnh với chỉ hơn 224 nghìn cổ phiếu được khớp lệnh. Như vậy, chỉ sau 2 phiên “chào sàn”, SGB đã mất 40,7% giá trị.
Đây là một điều khá bất ngờ khi ngoài SBG, thời gian gần đây cũng có thêm 2 “tân binh” ngân hàng khác cũng lên sàn Upcom đó là Ngân hàng Bản Việt (9/7) và Ngân hàng Nam Á (9/10). Trong ngày giao dịch đầu tiên (9/7), thị giá BVB tăng đến 30% so với giá tham chiếu 10,700 đồng/ cổ phiếu, chốt phiên giao dịch đầu tiên với giá 14,000 đồng/ cổ phiếu. Thậm chí, trong phiên có lúc tăng kịch trần lên 14,783 đồng/ cổ phiếu. Cùng với đó, trong ngày đầu lên sàn, thị giá NAB cũng chốt phiên với giá 16,000 đồng/ cổ phiếu, tăng đến 19% so với mức giá tham chiếu 13,500 đồng/ cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tiên. 
Ở một diễn biến khác, ngay trong ngày đầu chào sàn UPCoM, Phó Tổng Giám đốc Saigonbank Phạm Hoàng Hồng Thịnh đã đăng ký bán 106,795 cổ phiếu SGB trong thời gian từ ngày 15/10-12/11/2020. Số cổ phiếu đăng ký bán này là tổng số lượng mà vị Phó Tổng đang nắm giữ, tương đương 0,03% vốn tại Ngân hàng.
Cũng trong ngày 15/10, Saigonbank thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ, dự kiến thực hiện từ ngày 15/10-15/11. Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Lũy – Phó Tổng Giám đốc đăng ký bán gần 248.000 cổ phiếu. Đây cũng là toàn bộ số cổ phiếu SGB mà ông Lũy đang sở hữu.
Dù có kế hoạch lên sàn UPCoM trong năm nay, nhưng trước đó tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2020, không hề thấy kế hoạch tăng vốn điều lệ của Saigonbank. Là ngân hàng TMCP đầu tiên được thành lập, nhưng đến nay Saigonbank vẫn giữ mức vốn điều lệ nhỉnh hơn vốn pháp định một xíu, dừng lại mức 3.080 tỷ đồng kể từ năm 2012 đến nay.
Lợi nhuận “chiếu dưới”?
Sau giai đoạn tăng trưởng năm 2010-2012, lợi nhuận của Saigonbank bước vào chu kỳ giảm dài sau đó. Đến cuối năm 2019, SGB ghi nhận lãi trước thuế chỉ còn 181 tỷ đồng, gấp 3,4 lần năm 2018, tuy nhiên con số này vẫn thuộc "chiếu dưới" trong hệ thống nhà băng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 86%, chỉ còn 6 tỷ đồng, Saigonbank báo lãi trước thuế gần 126 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 100 tỷ đồng, cùng tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Saigonbank đã thực hiện được 97% chỉ tiêu 130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau nửa đầu năm.
Dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan, nhưng Saigonbank cũng đã thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu và giúp tỷ lệ nợ giảm đáng kể. Điều này giúp tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay của ngân hàng những năm gần đây luôn duy trì dưới 3%.
Được biết, tại Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có yêu cầu bắt buộc thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng TMCP. Theo đó, đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch chính thức trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Thực tế, từ đầu năm đến nay cũng có hàng loạt ngân hàng cũng đã thực hiện niêm yết tại các sàn HNX, HoSE hay Upcom. Tuy nhiên, năm 2020 có thể coi là năm sóng gió của kinh tế nói chung và thị trường nói riêng. Chính vì vậy, khi chỉ còn 1 thời gian ngắn nữa là hết hạn phải niêm yết chính thức trên các sàn chứng khoán, đây có vẻ chưa chắc đã là thời điểm thuận lợi nhất dành cho các “tân binh” trên sàn chứng khoán.
Một nhà phân tích tài chính nhận định, dù thời gian gần đây thị trường đang đón làn sóng cổ phiếu ngân hàng mới niêm yết nhưng việc thị trường vẫn đang chịu nguy cơ dịch bệnh Covid-19 có thể trở thành rủi ro với các ngân hàng, nhất là đối với những doanh nghiệp có tình hình kinh doanh không khả qua trong thời gian qua.
Có nhiều lý do ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của ngân hàng, nhưng kỳ vọng tăng trưởng dựa vào tiềm lực thật sự của ngân hàng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Một ngân hàng kinh doanh có hiệu quả, “sức khỏe” thật sự tốt, lợi nhuận tăng trưởng liên tục, kiểm soát nợ xấu hiệu quả, sẽ luôn ẩn chứa nhiều cơ hội để cổ phiếu của ngân hàng đó tăng giá.
Đến nay, toàn thị trường có 10 ngân hàng niêm yết trên sàn HoSE (BID, CTG, EIB, HDB, MBB, STB, TCB, TPB, VCB, VPB và mới đây là LPB; 3 ngân hàng niêm yết trên sàn HNX (ACB, SHB, NVB) và 7 ngân hàng đang giao dịch trên sàn UPCoM (BAB, KLB, LPB, VIB, VBB, BVB, SGB). ACB và SHB đã thông qua kế hoạch chuyển sàn sang HoSE; VIB chuyển sàn HoSE cuối năm 2020; MSB, OCB đang trong quá trình hoàn tất kế hoạch niêm yết sàn HoSE.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần