Khởi đầu cho hành trình gian khổ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà khoa học Earth Leaguge kiến nghị, cộng đồng quốc tế cần giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2oC; Giảm lượng khí phát thải; Thiết lập xã hội không ô nhiễm tới năm 2050;..

Nhân ngày Trái Đất (22/4), Earth League - tổ chức bao gồm 17 viện nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới đã đưa ra bản kế hoạch 8 điểm, kêu gọi lãnh đạo các nước bàn luận và thống nhất những vấn đề “nóng” này tại Hội nghị bộ trưởng thường niên các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) sẽ diễn ra vào tháng 12/2015 tại Paris (Pháp).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo kế hoạch này, các nhà khoa học Earth Leaguge kiến nghị, cộng đồng quốc tế cần giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2oC; Giảm lượng khí phát thải; Thiết lập xã hội không ô nhiễm tới năm 2050; Thực hiện nghiên cứu và đổi mới công nghệ; Đề ra chiến lược toàn cầu xử lý tổn thất của biến đổi khí hậu; Bảo vệ hệ sinh thái rừng và biển; Cung cấp ngân sách bảo vệ khí hậu cho các nước đang phát triển… Kế hoạch này còn đề cập đến nhiều vấn đề cấp bách khác như nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán. Mặc dù kế hoạch này được cho là quá tham vọng trong bối cảnh các nước còn bất đồng về quan điểm và lợi ích, các nhà khoa học của Earth Leaguge cho rằng, mục tiêu đưa ra là hoàn toàn khả thi nếu tất cả các nước chung tay hợp tác và thực hiện một cách quyết liệt.

Sáu năm trước, Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc về chống biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) không đem lại kết quả gì đáng kể, chỉ với bản thỏa thuận chính trị trong một nhóm ít nước. Giờ đây, cả thế giới đang có được cơ hội thứ 2 để thống nhất một lộ trình phát triển an toàn mà không làm ảnh hưởng đến trái đất. Hiện chưa rõ kế hoạch 8 điểm này sẽ được đón nhận và thực hiện ra sao nhưng việc một số quốc gia trong Liên minh châu Âu, Mexico đưa ra cam kết cắt giảm khí thải hay thỏa thuận Mỹ - Trung liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu đã cho thấy hành trình nhiều sóng gió đến Paris nhằm tìm giải pháp cho cuộc chiến chống sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã đi được những chặng đường đầu tiên. Hy vọng, từ nay đến cuối năm với sự nỗ lực, quyết tâm của các nước cũng như sự điều chỉnh chiến lược của một số chính quyền nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri trước các cuộc bầu cử quan trọng, một thỏa thuận cuối cùng tại COP21.