Nghịch lý của phương Tây
Theo một cuộc khảo sát mới nhất của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), chiến tranh đã vạch trần “sự phân chia địa lý rõ ràng trong thái độ toàn cầu” đối với “quan niệm về dân chủ và cấu trúc của trật tự quốc tế trong tương lai”. Dữ liệu được thu thập từ 9 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), cùng với Vương quốc Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Mỹ.
Kết quả cuộc thăm dò, được thực hiện trong khoảng từ tháng 12/2022 - 1/2023, cho thấy, trong khi các đồng minh phương Tây đã “lấy lại ý thức về mục đích của họ trên trường toàn cầu”, khoảng cách giữa quan điểm của họ và “phần còn lại” đã trở nên xa hơn.
Theo ECFR, công dân châu Âu và Mỹ có nhiều quan điểm chung về các vấn đề toàn cầu lớn, bao gồm cả việc họ “nên giúp Ukraine giành chiến thắng”, trong khi người dân ở Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ muốn “nhanh chóng kết thúc chiến tranh” ngay cả khi Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ. Ở các nước phương Tây được khảo sát, phần lớn (77% ở Anh, 71% ở Mỹ và 65% ở 9 thành viên EU) đã mô tả Nga là “kẻ thù” của chính đất nước họ.
Ngược lại, phần lớn công dân được hỏi ở Trung Quốc (76%), Ấn Độ (77%) và Thổ Nhĩ Kỳ (73%) không chỉ nhìn thấy “sức mạnh” đang trỗi dậy ở Nga mà còn coi nước này là “đồng minh” và “đối tác chiến lược” của quốc gia họ. Nhiều người trong nhóm này cũng tin rằng Kiev nên xem xét “giao nộp lãnh thổ” để giúp chấm dứt xung đột nhanh hơn.
Mark Leonard, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu và là đồng tác giả của báo cáo, nói: “Nghịch lý của cuộc chiến Ukraine là phương Tây vừa đoàn kết hơn nhưng vừa ít tạo ảnh hưởng hơn trên thế giới so với trước đây”.
Trở lại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2021, giới tinh hoa phương Tây lúc bấy giờ đã thảo luận sôi nổi về “bộ ba mối đe dọa”: Trung Quốc, Nga và biến đổi khí hậu. Đó cũng là thời điểm mà các bên nói nhiều đến “sự trở lại của nước Mỹ”, sau những năm ông Donald Trump cầm quyền và liên tục chỉ trích liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.
NATO đã có lúc gặp khó khăn trong việc đưa ra một thông điệp thống nhất, khi mà 30 thành viên của tổ chức này hiện có những lợi ích hoàn toàn khác nhau. Giữa bối cảnh đó, quyết định điều quân sang biên giới Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là “một canh bạc”, với việc Moscow dường như đánh cược rằng các nước Tây Âu sẽ đứng ngoài cuộc.
Trong vòng vài ngày sau khi xung đột nổ ra, các quốc gia châu Âu đã lên án hành động của chính quyền Moscow, áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga và cam kết viện trợ tài chính cũng như quân sự đáng kể cho lực lượng quân đội Ukraine. Vào ngày 27/2/2022, Thủ tướng Đức mới nhậm chức Olaf Scholz đã có bài phát biểu bước ngoặt.
“Đức sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine để phòng thủ quốc gia” - Thủ tướng Scholz tuyên bố, đánh dấu sự đảo chiều sau 7 thập kỷ theo chủ nghĩa hòa bình trong chính sách đối ngoại và quân sự của Berlin.
Có thể nói, vì Nga, NATO đã trở lại. Chính chiến sự Ukraine đã góp phần hàn gắn liên minh hơn 70 tuổi lại với nhau. Đối với Mỹ và châu Âu, đó là tin tốt. Nhưng cuộc chiến cũng đã nhắc nhở phương Tây rằng họ không chi phối thế giới, cũng như không tạo ra tầm ảnh hưởng đáng kể với phần còn lại của thế giới như tưởng tượng.
Một năm trôi qua, nhiều nền kinh tế lớn của thế giới vẫn đang làm ăn với Moscow, đồng thời ủng hộ quan điểm của ông Putin rằng NATO cần chịu trách nhiệm cho cuộc chiến. Chẳng hạn, tuần qua đã chứng kiến Nam Phi tham gia các cuộc tập trận quân sự chung với Nga và Trung Quốc, trong khi Ấn Độ hiện đang mua hơn 1 triệu thùng dầu của Nga mỗi ngày - gấp 33 lần so với số dầu họ đã mua một năm trước.
Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - thậm chí đã cân bằng được viêc hỗ trợ quân sự cho Ukraine với mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Nga. Bất chấp các lệnh trừng phạt, đồng rúp của Nga vẫn mạnh và một dự báo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn vào năm 2023 so với Đức hoặc Anh.
Ngay cả trên chiến trường cũng đã có những dấu hiệu đáng chú ý: Khi xe tăng, đạn pháo từ NATO đang trên đường đến Ukraine, Nga cũng đã và đang nhận được hỗ trợ quân sự của riêng mình, bao gồm máy bay không người lái được trang bị vũ khí từ Iran. Cuối tuần trước, Mỹ cũng đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sẵn sàng cung cấp viện trợ quân sự cho Điện Kremlin. Trong khi đó, tại Washington, một Quốc hội chia rẽ có thể kìm hãm cam kết hỗ trợ Ukraine của chính quyền Biden.
Thời đại của “phòng ngừa rủi ro toàn cầu”
Khảo sát của ECFR cũng cho thấy những quan điểm khác nhau về vai trò chung của phương Tây trong trật tự thế giới tương lai. Ở châu Âu và Mỹ, nhiều người (29% ở Anh, 28% ở 9 nước EU và 26% ở Mỹ) mong đợi một thế giới lưỡng cực mới gồm hai khối do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu, trong khi đã có những dấu hiệu cho thấy hầu hết người dân ở các quốc gia lớn ngoài phương Tây đã nhìn thấy một tương lai đa cực hơn.
“Những người ra quyết định ở phương Tây nên tính đến việc hợp nhất các quốc gia đồng minh, giữa một thế giới hậu phương Tây ngày càng bị chia rẽ; và các cường quốc mới nổi như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động theo cách riêng của họ, cũng như không bị cuốn vào cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc” - nhóm nghiên cứu của ECFR cho biết.
Richard Gowan - Giám đốc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế của Liên Hợp quốc bình luận: “Chúng ta dường như đang ở trong thời đại mà tôi gọi là “phòng ngừa rủi ro toàn cầu”. Ông cũng coi đây là bài học cốt lõi sau một năm khủng hoảng mọi mặt vì chiến tranh ở châu Âu, rằng thực tế là các quốc gia sẽ hành động theo lợi ích kinh tế và chính trị của chính họ, bất chấp những áp lực từ phương Tây.
“Mỹ và các đồng minh châu Âu của họ đã liên tục coi các hành động của Moscow là mối đe dọa đối với trật tự toàn cầu, nhưng nhiều cường quốc ngoài phương Tây dường như chỉ bị thuyết phục một phần” - chuyên gia Gowan nhận định - “Về cơ bản, nếu có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới xảy ra trong tương lai, nhiều quốc gia bên ngoài châu Âu sẽ muốn đứng ngoài cuộc”.