Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo:

Khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và trở thành động lực then chốt trong tiến trình đổi mới và phát triển.

Khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai - Ảnh 1

Nhân dịp kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam (18/5) và kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành KH&CN Thủ đô (1962 - 2022), báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Thành ủy viên, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn về vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội thời gian qua, những định hướng ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xin ông cho biết vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội trong thời gian qua?

- Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia thì vai trò quan trọng của KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) ngày càng được nâng lên.

KH&CN đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội quan tâm, chú trọng đẩy mạnh, từng bước có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định cơ chế chính sách phát triển Thủ đô.

Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội khẳng định KHCN&ĐMST sẽ là động lực phát triển mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Không chỉ là động lực mới, là đột phá chiến lược, KHCN&ĐMST còn hiện diện, là thành tố quan trọng trong tất cả các ngành, lĩnh vực, đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Nhìn lại chặng đường vừa qua, KHCN&ĐMST đã đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển của Thủ đô. Kinh tế duy trì tăng trưởng khá, đạt bình quân 6,83%/năm; GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng ngày càng tăng. Quy mô, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng lên một bước; kết quả xây dựng nông thôn mới là dấu ấn nổi bật. Sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, KH&CN, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân, công tác bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực; chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô không ngừng được nâng lên; diện mạo của Thủ đô có nhiều đổi thay, văn minh, hiện đại hơn. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng; vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao ở cả trong nước và quốc tế.

Một số sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu trưng bày tại triển lãm nhân kỷ niệm 60 năm ngành khoa học và công nghệ Thủ đô. Ảnh: Phạm Hùng
Một số sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu trưng bày tại triển lãm nhân kỷ niệm 60 năm ngành khoa học và công nghệ Thủ đô. Ảnh: Phạm Hùng

Thời gian qua, hoạt động KH&CN trên địa bàn Thủ đô đã đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa ông?

- Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của T.Ư, thời gian qua, hoạt động KH&CN của TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, ngày càng đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về KHCN&ĐMST của cả nước.

Các Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 khóa XI về phát triển KH&CN đã được triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả tốt. Hà Nội đã quan tâm khai thác, phát huy tiềm lực KH&CN trên địa bàn, nhất là trí tuệ, tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường đại học và cao đẳng, viện nghiên cứu, từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.

Cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN đã chuyển mạnh từ phương thức giao trực tiếp sang đặt hàng, tuyển chọn. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả hơn vào thực tiễn, tạo cơ sở khoa học để tham mưu hoạch định cơ chế, chính sách; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Tiềm lực KH&CN được quan tâm đầu tư phát triển. Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành T.Ư cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm DN công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Bên cạnh đó, thị trường KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Các hoạt động đổi mới sáng tạo bước đầu được triển khai và có hiệu quả. TP đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất... Quan tâm kết nối các DN, cá nhân với các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức KH&CN.

Chủ động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập các DN KH&CN; hỗ trợ DN hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập DN KH&CN. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, nhất là trong giới trẻ.

Nhiều DN được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Nhiều nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký bảo hộ. Số lượng DN KH&CN được đăng ký chính thức tăng hàng năm. Hoạt động hợp tác trong lĩnh vực KH&CN tiếp tục được tăng cường thông qua việc tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối cung, cầu (Techfest, Techmart, TechDemo...); các hội nghị, hội thảo khoa học liên ngành, liên vùng; các sự kiện quốc tế lớn (Tọa đàm về phát triển “TP thông minh” - phối hợp với Bộ Thương mại Mỹ và 18 tập đoàn, DN hàng đầu của Mỹ; Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội; Tọa đàm cấp cao tham vấn về sáng kiến “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” - phối hợp với Tổ chức UNESCO tại Việt Nam thực hiện).

Ngành KH&CN Hà Nội đã có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả lĩnh vực và là đòn bẩy, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Ông có thể cho biết những định hướng và nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới?

- Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở KH&CN Hà Nội sẽ tham mưu cho UBND TP triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về KH&CN và đổi mới sáng tạo. Cụ thể, xác định KH&CN và đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, lấy DN là trung tâm, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, của địa phương và DN.

Cùng với đó, tăng cường xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển KHCN&ĐMST. Phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển bền vững, đồng bộ các thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán…

Thúc đẩy phát triển DN KH&CN, đổi mới sáng tạo, kết nối theo chuỗi giá trị với các DN trong vùng kinh tế và cả nước cũng như trong khu vực và thế giới. Chủ động thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài; thu hút các tập đoàn đa quốc gia thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển đặt trụ sở tại Hà Nội.

Trên cơ sở tổng kết, bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô, khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, trong đó có lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chủ động triển khai tốt Chương trình số 07/CTr-TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu và 6 nhóm giải pháp trọng tâm của Chương trình và thực tế tại các địa phương, đơn vị, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả.

Xin chân thành cảm ơn ông!