Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khơi dậy nguồn đam mê sân khấu trong khán giả

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kịch mục đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ của sân khấu miền Nam tuy không rôm rả nhưng cũng đủ "món". Trong khi đó, ở sân khấu Bắc, từ hài kịch đến chính kịch đều "im hơi lặng tiếng". Vì thế, việc thành lập Câu lạc bộ (CLB) "Khán giả yêu sân khấu" như để níu kéo hy vọng xua tan không khí nguội lạnh trên sàn gỗ.

Chí Trung thêm một lần "bơi"
 
Cách đây 10 năm, Chí Trung được khán giả biết đến với những vai hài nổi tiếng, nhưng người làm nghề lại nể anh ở tư duy thị trường. Nhà hát Tuổi trẻ có được những vở diễn "cháy vé", sân khấu 11 Ngô Thì Nhậm rôm rả người xem, một phần không nhỏ nhờ công tiếp thị của Chí Trung. 
 
Người ta còn nhớ, mỗi khi có vở diễn mới, Chí Trung không ngần ngại đi gõ cửa từng nhà, đến từng cơ quan, trường học để giới thiệu và bán vé. Và rồi, sân khấu dần có khán giả, nghệ sĩ bắt đầu chỉ lo sáng tạo vở diễn. 
 
Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, nằm trong sự biến động của kinh tế - xã hội, những món ăn tinh thần của sân khấu Tuổi trẻ cũng được đặt lên bàn cân "đo đếm" với các chương trình giải trí trên truyền hình. Và lúc này, cả rạp Tuổi trẻ lẫn rạp Thanh niên (do Chí Trung thuê và mở thêm 4 năm trước) đều vắng khách.Mới đây, theo đề xuất của NSƯT Chí Trung, Nhà hát Tuổi trẻ đã quyết định thành lập CLB "Khán giả yêu sân khấu" với mong muốn làm cầu nối giữa khán giả và sân khấu, tháo gỡ khó khăn trong tình trạng sân khấu kịch ảm đạm hiện tại. 
 
 
Khơi dậy nguồn đam mê sân khấu trong khán giả - Ảnh 1
 
 
Tại CLB, hội viên được cấp thẻ, trước mắt được ưu đãi mua một vé, tặng một vé trong các chương trình cuối tuần tại Nhà hát và rạp Thanh niên, và mỗi đêm diễn tại nhà hát sẽ giới hạn 200 vé cho thành viên CLB. 
 
Ngoài ra, thành viên CLB sẽ thường xuyên được gặp gỡ, giao lưu với nghệ sĩ của Nhà hát."Theo cách làm mới, giờ đây Nhà hát sẽ thường xuyên có sự trao đổi gặp gỡ, điện thoại, nhận thư từ góp ý từ khán giả, thậm chí mời khán giả đến thẩm định vở mới. Khi ra về, khán giả chỉ việc thả tờ giấy thích hay không thích vào hai hòm góp ý" - nghệ sĩ Chí Trung cho biết.
 
Ý tưởng này của Chí Trung có thể hơi lạ, nhưng đó là phương pháp để nghệ sĩ có thể biết mình cần làm gì, thay đổi cách diễn thế nào cho phù hợp với thị hiếu khán giả. 
 
Ý tưởng này mới được áp dụng vào thực tế, chưa thể trả lời ngay về tính hiệu quả, song sẽ là một phép thử cho sự dám làm của NSƯT Chí Trung.
 
Mong được như sân khấu Nam
 
Thời điểm này, sân khấu phía Nam đã rộn ràng tập luyện, chuẩn bị vở mới cho Tết.
 
 Nhìn vào mục kịch Tết năm nay, vẫn đủ "món" từ tâm lý xã hội đến hài hước, kinh dị... Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần với phong cách kịch quen thuộc là 4 vở tâm lý xã hội, hài hước: "Trái tim vàng", "Chờ người", "Hạnh phúc ở đâu?", "Nơi tình yêu bắt đầu". NSƯT Mỹ Uyên cho biết: "Tết năm nay, sân khấu kịch 5B vẫn giữ phong cách kịch nhẹ nhàng về tình yêu, gia đình, đối nhân xử thế". 
 
Ngoài ra, sân khấu Hoàng Thái Thanh trung thành với kịch tâm lý, xã hội về tình yêu, nhẹ nhàng qua 2 vở "Tái sinh" và "6 tháng, anh và em". Sân khấu kịch Nụ cười mới sẽ ra mắt khán giả các vở "Chuyện vợ chồng" và "Ngày tận thế" với sự tham gia của cặp đôi ăn khách là Hoài Linh - Chí Tài... 
 
Mảng kịch kinh dị vẫn có sức hút với đối tượng khán giả trẻ nên vẫn được các "bầu" đưa vào kịch mục Tết này. Nhà hát Thế giới trẻ (ĐH Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh) ngoài 2 vở hài "Hợp đồng yêu đương", "Thần tiên cũng phát điên" là vở kinh dị "Bí mật nhà xác"...
 
Sự góp mặt của các vở diễn sân khấu phía Nam đủ để thấy người Sài Gòn vẫn có hứng đến rạp xem kịch. Và con đường đến với khán giả của sân khấu phía Nam này luôn là niềm mơ ước chưa thành hiện thực của nghệ sĩ phía Bắc.