Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khơi mạch ngầm văn hóa

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên mảnh đất ngàn năm văn hiến, mạch ngầm văn hóa vẫn đang âm thầm thấm dần vào những người trẻ.

Nhờ sức trẻ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, họ đã tìm ra những lối đi riêng, cách làm mới để gìn giữ và làm giàu từ chính những giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha để lại.
Chọn đường khó để đi
Một nhóm bạn trẻ đam mê cổ phục, nhờ sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia cùng vị công tôn nữ hơn 90 tuổi nhà Nguyễn đã phục dựng, phỏng dựng trang phục xưa của hoàng tộc và người dân Việt ở giai đoạn phong kiến.
Đáng nói, liên kết giữa các mắt xích này là một thanh niên 9X - Nguyễn Đức Lộc. Tay ngang từ nghề truyền thông sang lập nhóm, mở công ty riêng để nghiên cứu, chàng trai trẻ đã dệt nên những tấm áo phủ hào quang bản sắc truyền thống từ cách đây cả trăm năm.
 Cổ phục do Ỷ Vân Hiên thiết kế và phục dựng. Ảnh: Ỷ Vân Hiên
Mạnh dạn lựa chọn con đường khó, Nguyễn Đức Lộc cùng cộng sự của mình dồn tâm huyết từng bước hiện thực hóa giấc mơ làm sống dậy và lan tỏa những nét đẹp văn hóa dân tộc. “Nghiên cứu về trang phục cổ, tôi phải tự đọc, học từ tài liệu Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục; học hỏi từ các nhà nghiên cứu lịch sử, nghệ nhân các làng nghề. Tôi từng đi gặp nhiều nghệ nhân kim hoàn, nghệ nhân dệt vải để thuyết phục họ làm sản phẩm cho mình. Bởi thế, từ ý tưởng đến thực hiện đòi hỏi nhiều công sức, thời gian” – Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.
Phục dựng trang phục cổ quả thực không dễ dàng bởi qua hàng trăm năm lịch sử, những tài liệu gốc, chất liệu phù hợp cũng dần mai một, thất truyền. Chuyên viên nghiên cứu của Công ty Ỷ Vân Hiên Nguyễn Văn Hiệu chia sẻ: “Ở Việt Nam, tư liệu hình ảnh khá ít, chúng tôi đọc hàng trăm, hàng nghìn tư liệu chỉ để lấy được một vài dòng”.
Cũng thuộc thế hệ 9X và mang trong mình niềm đam mê mãnh liệt với nghề truyền thống, chàng trai trẻ Đặng Đình Lân luôn tìm tòi, trăn trở phát triển nghề nặn tò hè của làng Xuân La, Phượng Dực, Phú Xuyên (Hà Nội). Tham gia Hội thi nặn tò he trong khuôn khổ Ngày hội di sản văn hóa, du lịch Việt Nam 2019 mới đây, Đặng Đình Lân đã giới thiệu đến công chúng tác phẩm Khuê Văn Các độc đáo bằng tò he. “Nghề tò he không chỉ mang lại thu nhập mà còn giúp tôi nuôi dưỡng đam mê với văn hóa dân tộc” - Lân chia sẻ.
Học nghề từ năm 7 tuổi, chàng trai trẻ tâm sự, cái khó nhất vẫn là việc “tạo hồn” cho tò he. Muốn làm được điều này, yêu cầu người thợ phải hóa thân vào cục bột nặn tưởng vô hồn ấy để kể câu chuyện về nhân vật mình sắp thể hiện. Và cứ thế, những con tò he Xuân La vẫn có sức sống bền bỉ trong dòng chảy hiện đại.
Vươn ra quốc tế
Hiện tại, mỗi khi có thời gian, Đặng Đình Lân lại liên hệ xin dạy miễn phí về nặn hình nghệ thuật cho các em nhỏ ở trường mầm non và tiểu học. Lân cũng không bỏ qua bất cứ một đơn hàng hay lời mời tham dự sự kiện triển lãm nào về tò he để có cơ hội giới thiệu nét văn hóa đặc sắc này tới bạn bè quốc tế. “Tôi muốn đưa con tò he với chất liệu cao cấp và mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh sang nước ngoài. Đó mới là mục tiêu lâu dài của làng nghề tò he Xuân La” - Lân bộc bạch.
Trước mắt, để thực hiện điều này, Lân đã chủ động áp dụng công nghệ trong việc quảng bá sản phẩm tò he Xuân La thông qua một số trang mạng xã hội, blog. Chia sẻ về kế hoạch phát triển nghề truyền thống, Đặng Đình Lân cho biết: “Tôi sẽ vận động các bạn trẻ tại địa phương tham gia phát triển nghề tò he. Đồng thời hợp tác với các làng nghề sản xuất đồ chơi truyền thống tương trợ nhau trong việc tiêu thụ, thiết lập các trang web thương mại điện tử nhằm quảng bá thương hiệu xa hơn”.
Còn đối với chàng trai trẻ 9X say mê cổ phục Nguyễn Bá Lộc, điều khiến anh hạnh phúc nhất là rất nhiều du học sinh Việt Nam tìm đến để may cổ phục. Đây là cơ hội để cổ phục có thể vượt qua tầm nghiên cứu trong nước mà ứng dụng ở nước ngoài.
Người Hà Nội luôn tự hào với một nền văn hóa phong phú được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử. Trải qua nhiều thăng trầm, nền văn hóa ấy đang dần bị mai một và bị lấn át bởi những trào lưu mới du nhập từ bên ngoài. Chính vì vậy, đội ngũ những người trẻ với kiến thức, lòng nhiệt thành đang miệt mài khôi phục, bảo tồn, phát huy những tinh hoa, giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc cho thấy mạch ngầm của văn hóa ngàn năm văn hiến vẫn đang âm thầm chảy mãi.