Edward Snowden - cựu nhân viên CIA, người đã tiết lộ chương trình nghe lén của Chính phủ Mỹ, khiến Washington khốn đốn suốt tuần qua. Ảnh: AP
Vụ bê bối bắt đàu từ tuần trước khi tờ The Guardian của Anh công bố tài liệu chứng minh rằng, cơ quan tình báo Mỹ nhận được thông tin trong thời gian thực về tất cả các cuộc gọi và tin nhắn của khách hàng thuê bao của các công ty viễn thông Mỹ. Sau đó, tờ The Washington Post công bố tiếp dữ liệu về một hệ thống bí mật khác có khả năng giám sát lưu lượng truy cập internet của các nhà cung cấp lớn nhất. Các nhà chức trách đã buộc phải thừa nhận sự tồn tại của cả hai chương trình, nhưng tuyên bố rằng tất cả mọi thứ được thực hiện theo pháp luật vì trước đó, Quốc hội đã thông qua tính hợp pháp của chương trình này. Tuy nhiên, dù giải thích theo cách nào đi nữa thì vụ việc vẫn gây ra làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ. Nhiều khả năng, các phóng viên của tờ The Guardian (Anh) và The Washington Post (Mỹ) đã tiết lộ tin tức này sẽ bị liên đới và trở thành nạn nhân thứ ba trong cuộc chiến chống rò rỉ thông tin của Mỹ. Trước đó, Bộ Tư pháp nước này đã tiến hành theo dõi các nhà báo của hãng tin AP, phóng viên Đài Truyền hình FoxNews nhằm ngăn chặn nguy cơ tiết lộ thông tin mật trên các phương tiện truyền thông.
Trong một diễn biến có liên quan, hôm 11/6, Edward Snowden - cựu nhân viên CIA tiết lộ chương trình nghe lén của Chính phủ Mỹ, khiến Washington khốn đốn suốt tuần qua đã làm thủ tục trả phòng khách sạn Mira ở Hong Kong (Trung Quốc). Theo tờ Guardian, Snowden vẫn đang ở Hong Kong nhưng không rõ địa chỉ cụ thể nhất là khi Washington đang yêu cầu chính quyền xứ Cảng thơm dẫn độ Snowden về nước và có khả năng bị truy tố hình sự vì tiết lộ bí mật quốc gia. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitri Peskov cho biết, nếu Snowden xin tị nạn chính trị tại Nga, đơn của anh này sẽ được xem xét.