Với diện tích trưng bày khoảng 1.500m2, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương có số lượng 2.410 hiện vật, gồm 4 bộ sưu tập chính: bộ sưu tập sành (2017 hiện vật), bộ sưu tập đất nung (35 hiện vật), bộ sưu tập bán sứ (38 hiện vật), bộ sưu tập sành sứ (320 hiện vật).
Bảo tàng đã tổ chức trưng bày cố định và trưng bày chuyên đề các hiện vật gốm cổ được vớt từ dưới lòng sông Hương thuộc nhiều niên đại như: gốm Chàm, gốm Sa Huỳnh, Tiền sử, Sơ sử, Lê sơ, Nguyễn... Đây là những vật dụng sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như: lu, hũ, bình, chén, bát bồng, bình vôi làm bằng các chất liệu khác nhau được trưng bày khoa học trong bảo tàng.
Theo GS.TS Thái Kim Lan - người sáng lập Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, ưu điểm trước tiên trong chuỗi hoạt động của Bảo tàng nằm ở tính “ngoài công lập“. Mặc dù chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm xây dựng các chính sách hỗ trợ cho loại hình bảo tàng ngoài công lập nhưng do cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước cho bảo tàng ngoài công lập chưa nhiều nên Bảo tàng Gốm cổ sông Hương luôn phải tự tìm hướng duy trì, phát triển.
Các chương trình trưng bày, triển lãm, hội thảo, biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng đều do Bảo tàng Gốm cổ sông Hương tự trang trải kinh phí. Vì mới thành lập nên Bảo tàng còn khó khăn về kinh nghiệm trưng bày, diện tích kho bảo quản hiện vật không lớn, đặc biệt là kinh phí hoạt động, tu bổ không gian, mở rộng diện tích trưng bày gặp nhiều trở ngại và sự hỗ trợ trang thiết bị chuyên ngành còn yếu.
Bên cạnh đó, GS.TS Thái Kim Lan cho biết, khó khăn lớn nhất của Bảo tàng Gốm cổ sông Hương và có lẽ của hầu hết thiết chế văn hóa ngoài công lập khác, chính là đất đai và vốn. Bảo tàng Gốm cổ sông Hương được xây dựng trên đất của gia tộc.
"Chúng tôi có nguyện vọng được thuê lại mảnh đất 3.500m2 (nguyên là đất của Từ đường Thái tộc, đang được Hợp tác xã phường Hương Long cấp cho người dân canh tác hoa màu) với giá thuê đất phù hợp, để xây dựng Bảo tàng Áo dài triều Nguyễn tại đây cho Huế.
Mặc dù tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm có chính sách hỗ trợ bảo tàng ngoài công lập, nhưng cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước nói chung chưa nhiều. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ thêm về chuyên môn cũng như kinh phí, thủ tục pháp lý, hành chính để đóng góp nhiều hơn nữa cho văn hóa Huế và Việt Nam" - GS.TS Thái Kim Lan chia sẻ.
Theo các chuyên gia, Nhà nước chủ trương khuyến khích sự ra đời của bảo tàng ngoài công lập. Song, để chủ trương này đi vào thực tiễn đời sống, thiết nghĩ, tính “ngoài công lập” cần được định chế hóa, mở ra tiềm năng mới trong công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đất nước.