Lê Mạnh Cường tại chương trình gặp mặt giữa Hội Doanh nhân trẻ Việt |
Dù là Giám đốc của một công ty xây dựng do mình tạo lập với hơn 20 nhân viên, từng đảm nhận nhiều công trình như xây dựng trường học, nhà, kênh mương, nhưng Lê Mạnh Cường vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành nông nghiệp và ấp ủ suy nghĩ sẽ khởi nghiệp từ ngành này. Anh Cường cũng nhận thấy, thực phẩm bẩn đang trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội, với những nỗi lo về rau quả còn tồn đọng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các loại thịt, cá còn hàm lượng thức ăn chăn nuôi cao... “Sống ở vùng đất chuyên canh về nông nghiệp, hàng ngày được hưởng trọn bữa ăn đảm bảo từ nguồn thực phẩm tự cung tự cấp sạch sẽ của gia đình, nên tôi mong muốn đem những sản phẩm nông sản chất lượng ấy đến tay đông đảo người tiêu dùng” - anh Cường nói.
Sau một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu, cộng với sự đam mê với sản xuất nông nghiệp, đầu năm 2016, anh Cường đã chính thức bắt tay thực hiện ý tưởng.Với vai trò là Giám đốc của công ty xây dựng, anh Cường luôn gặp phải những khó khăn, thử thách trong thời gian đầu mới khởi nghiệp về nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, với bản lĩnh vững vàng, cộng với kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được và quan trọng nhất là có những người bạn đồng hành đáng tin cậy nên anh cũng nhanh chóng vượt qua được khó khăn. Một mặt, anh mạnh dạn đầu tư thuê hơn 37ha diện tích đất nông nghiệp ở huyện Ba Vì và tỉnh Phú Thọ. Mặt khác, nghiên cứu để đầu tư quy trình trồng trọt, chăn nuôi khép kín, xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm, chuẩn bị khu kiểm tra sản phẩm đầu ra bài bản và chuyên nghiệp để test sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. “Bên cạnh việc tập trung vào các con gia súc, gia cầm chủ đạo như lợn, gà, trang trại của anh còn trồng cây ăn quả và rau theo mùa với sự hỗ trợ của các kỹ sư nông nghiệp” - anh Cường cho biết.
Dám nghĩ, dám làm, chỉ sau hơn một năm lấn sân sang lĩnh vực mới, mô hình làm nông sản sạch của anh Cường đã dần đi vào sự bài bản, chuyên nghiệp và đạt hiệu quả cao. Nói về việc sản xuất nông sản sạch, anh bảo: “Tổ chức sản xuất theo chuỗi phù hợp với ngành nông nghiệp hiện đại, cũng là một cách để quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm”. Với mục tiêu mang thực phẩm sạch, xuất xứ rõ ràng tới tận tay người tiêu dùng Việt, anh đã và đang tạo việc làm cho gần 50 lao động tại địa phương ở trang trại của mình.Đi lên từ đôi bàn tay trắng, đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ khi mới ở tuổi 34, anh Lê Mạnh Cường cũng đồng thời là Ủy viên câu lạc bộ Khởi nghiệp quốc gia. Dù việc điều hành công ty, trang trại và tham gia vào các hoạt động của câu lạc bộ khá bận rộn, nhưng anh vẫn sẵn sàng dành thời gian tại các hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm, giúp các bạn trẻ start – up thuận lợi hơn.
Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Cường cho rằng, khi khởi nghiệp, vốn là một vấn đề thiết yếu, song điều quan trọng nhất để thành công là ý tưởng và chiến lược kinh doanh nhưng chỉ có đam mê, ý tưởng thôi là chưa đủ. Các bạn trẻ cần có định hướng con đường đi đúng đắn cho mình, không nên bỏ qua những lợi thế sẵn có mà bắt đầu từ một ý tưởng xa vời nào khác. Nên tận dụng những yếu tố thuận lợi sẵn có ngay xung quanh chúng ta như lợi thế từ địa phương để phát huy. Đồng thời, cần sự hỗ trợ từ cộng đồng và việc tạo thuận lợi từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. Như vậy, khả năng start – up thành công sẽ cao hơn.Bởi với anh, khởi nghiệp không chỉ là cuộc đua của đam mê, mà còn là cuộc đua sáng tạo. Bởi thiếu một trong 2 yếu tố đó thì khó đi đến tận cùng để thành công.