Chấp nhận khó khăn, thử thách
Khởi nghiệp không chỉ dừng ở những “chiến binh” trẻ, những DN mới, không chỉ là niềm đam mê của nam giới mà còn là ý tưởng, ước mơ của những người phụ nữ mong muốn bước tới con đường kinh doanh đầy chông gai và khó khăn trước mắt.
Phó Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Vạn Hưng Dương Thúy Quyên chia sẻ, là kỹ sư thực phẩm học ở Đại học Bách Khoa và có 10 năm làm việc không liên quan đến ngành học nhưng sau đó chị mới tìm thấy niềm đam mê, với lĩnh vực cũng đang rất nóng của xã hội: Đó là vấn đề về nông nghiệp, về thực phẩm sạch. Từ bỏ vị trí Giám đốc marketing rất nhiều người mơ ước để đi trên con đường đầy chông gai, người phụ nữ này đã chấp nhận mọi thử thách, khó khăn để đến với niềm đam mê của mình: Khởi nghiệp bằng các sản phẩm nông nghiệp, kinh doanh thực phẩm sạch. Bắt đầu bằng sản phẩm gạo hữu cơ, rau hữu cơ, sau 4 năm, chị Quyên đã có một lượng khách hàng cho riêng mình. Tuy nhiên, không bằng lòng và dừng lại ở đó, sau 5 lần làm rồi thất bại, chị cùng các đồng nghiệp của mình đã mày mò, tìm kiếm và sáng tạo ra công thức riêng cho dòng sản phẩm mới là sữa gạo hữu cơ. Trong thời gian tới, chị và nhóm cộng sự tiếp tục giải quyết những vấn đề trong bảo quản sản phẩm, tiếp cận và mở rộng khách hàng, cũng như cơ cấu lại tổ chức áp dụng phần mềm quản lý để hiệu quả hơn…
Còn con đường khởi nghiệp của chị Nguyễn Ngọc Hằng - một cán bộ dự án lâu năm trong các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam cùng các đồng nghiệp không bắt đầu như những DN thông thường khác. Xuất phát từ Trung tâm Reach - một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và hỗ trợ việc làm cho thanh niên khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam, chị Hằng cùng các đồng nghiệp đã tham gia vào nhiều mô hình đào tạo sáng tạo, thực tiễn và hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của thanh niên có hoàn cảnh khó khăn và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong tất cả các lĩnh vực như thiết kế đồ họa, du lịch, dịch vụ, khách sạn… Các học viên tại đây được đào tạo học nghề miễn phí, được hỗ trợ nơi ăn, chốn ở và tạo điều kiện thuận lợi khi kết thúc khóa học nghề. Và với mong muốn giúp các học viên có được nơi làm việc thuận tiện hơn sau khi tốt nghiệp, bên cạnh việc liên kết với các DN trong các lĩnh vực, ngành nghề, chị và các đồng nghiệp đã hướng tới việc thành lập một số DN xã hội để có nguồn thu, kinh phí quay trở lại giúp các khóa học viên mới.
Vững vàng hội nhập
Ngoài sự tự tin vượt khó để khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, các nữ doanh nhân được xem như là người luôn đi đầu trong các hoạt động xã hội, từ thiện và chính họ sẽ là người tiên phong trong cuộc cách mạng của nền kinh tế xanh đang diễn ra tại Việt Nam. Là người đã kiên trì theo đuổi ươc mơ xanh hóa nền nông nghiệp, bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT TH Group bằng tư duy khác biệt “ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp khoa học quản trị tiên tiến của thế giới với tài nguyên Việt và trí tuệ Việt” đã cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ, chất lượng cao. Không chỉ đầu tư nông nghiệp xanh, sạch trong nước, vị nữ doanh nhân này cũng lãnh đạo Tập đoàn TH đầu tư Tổ hợp Dự án sản xuất chế biến sữa tươi sạch và các Dự án thực phẩm khác tại Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD.
Với những cố gắng và nỗ lực của mình, cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam đang dần khẳng định mình trên thị trường thông qua những hình thức, phương pháp kinh doanh, những sản phẩm xanh sạch và chuẩn mực quốc tế mà họ cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, để doanh nhân nữ hội nhập thành công và phát triển mạnh mẽ, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước bằng chính sách, cơ chế về tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ, nhất là cơ chế đặc thù cho phụ nữ ứng dụng trong sản xuất nhỏ và công nghệ cao trong sản xuất quy mô lớn để làm sao họ đưa ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.