Khởi nghiệp từ tình yêu nội trợ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không kinh nghiệm, không vốn liếng, điều duy nhất chị Phạm Thị Nhung – Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Kinh doanh thực phẩm 9MEAL có được khi bắt đầu kinh doanh là tình yêu dành cho nội trợ. Khi tình yêu đủ lớn, chị Nhung đã quyết định khởi nghiệp và gặt hái thành công từ niềm đam mê này.

Ý tưởng từ gian bếp nhỏ
Như bao phụ nữ khác, chị Phạm Thị Nhung rất đam mê nấu ăn và dành nhiều tâm huyết tìm tòi, chế biến ra những món ăn ngon dành cho gia đình, đặc biệt là những món ăn truyền thống. Một lần, sau khi tặng bạn bè ăn thử món mắm tép chưng thịt, chị được người bạn thân đặt hàng món ăn này. “Từ lúc người bạn đó trả tiền và nhờ tôi làm thêm cho một lọ mắm tép chưng thịt mang đến công ty ăn trưa, tôi đã nảy ra ý tưởng sẽ thương mại hóa sản phẩm của mình” – chị Nhung nhớ lại.
 Chị Phạm Thị Nhung – CEO Công ty TNHH Chế biến và Kinh doanh thực phẩm 9MEAL giới thiệu về sản phẩm của công ty. Ảnh: Phương Nga
Ngay sau đó, chị làm các món ăn và đăng bán trên mạng xã hội, không ngờ được rất đông bạn bè, người thân ủng hộ và có phản hồi tốt. Nhận thấy tiềm năng của sản phẩm rất lớn, Nhung đã quyết định đầu tư mở rộng sản xuất chuyên nghiệp hơn. Để tập trung cho mục tiêu mới của cuộc đời, năm 2014, Nhung thôi việc ở công ty xuất nhập khẩu mà chị đã gắn bó 10 năm để đứng ra thành lập Công ty TNHH Chế biến và Kinh doanh thực phẩm 9MEAL, với thương hiệu chính mang tên “9MẮM”.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào kinh doanh, Nhung mới nhận ra một điều, nấu nướng vì đam mê khác hẳn với việc kinh doanh bài bản. Vận hành một công ty kinh doanh không dễ dàng như buôn bán nhỏ lẻ. Do không có kỹ năng điều hành, quảng bá sản phẩm, đơn đặt hàng qua mạng không đều nên doanh thu của công ty không ổn định. Có thời điểm, công ty đứng trước bờ vực phá sản. “Tuy nhiên, trong cái khó lại ló cái khôn. Trong cơn bĩ cực, tôi nhận ra rằng, phát triển bản thân là khoản đầu tư quan trọng nhất nên tôi đã quyết định sử dụng cuốn sổ tiết kiệm 20 triệu đồng mà vợ chồng dành dụm cho con trai để học một khóa dành cho chủ DN. Chi phí cho khóa học là 10 triệu đồng. Vợ chồng tôi lại tiếp tục xây dựng 9MẮM với 10 triệu còn lại”- Nhung hồi tưởng.

Không có bí quyết gia truyền cho bất cứ món ăn nào cũng là trở ngại đối với Nhung. Chị phải tìm cách chế biến các món trên mạng internet rồi thử nghiệm nhiều lần để tự rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, chị nhờ những người sành ăn nếm thử và cho lời khuyên. Cứ thế, dần dần Nhung hoàn thiện công thức và sản phẩm mang đặc trưng riêng của mình.

Khi tình yêu đủ lớn

Từ sự thấu hiểu tâm lý của các bà nội trợ bận rộn không có nhiều thời gian nấu nướng nhưng vẫn muốn có những bữa ăn ngon, bảo đảm cho gia đình, Nhung hướng tới đối tượng khách hàng là những nhân viên công sở bận rộn. Tiêu chí Nhung đặt ra cho món ăn là không những ngon mắt, ngon miệng mà còn phải an toàn cho sức khỏe.

Với quan điểm khách hàng phải biết đến sản phẩm trước rồi mới tìm đại lý mở rộng sản xuất nên giai đoạn đầu vợ chồng Nhung kiên trì bán hàng qua mạng xã hội để khách hàng biết tới và công nhận sản phẩm 9MẮM. Sau đó, nhiều đại lý thực phẩm sạch đã tự tìm đến với chị để phân phối sản phẩm.

Sau 4 năm thành lập, đến nay 9MẮM đã khẳng định được thương hiệu và là món ăn quen thuộc trong bữa cơm của nhiều gia đình. Công ty cung cấp 3 dòng sản phẩm, trong đó món thực phẩm chính gồm: Thịt chưng mắm tép, kho quẹt; món ăn phụ như thịt bò khô, khô gà lá chanh và gia vị như nước kho thịt cá, sa tế. Các sản phẩm của 9MẮM hiện có mặt tại 50 đại lý ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Doanh thu bình quân mỗi năm của công ty trên 1 tỷ đồng.

Chia sẻ về ý nghĩa của thương hiệu 9MẮM, Nhung cho biết cái tên này bao hàm nhiều ý nghĩa, ngoài mong muốn thương hiệu sẽ tồn tại mãi như ý nghĩa của con số 9, nó còn bao hàm nghĩa sâu xa là sau 8 tiếng làm việc, giờ thứ 9 là thời gian họ dành cho gia đình. "Bởi vậy, tôi muốn giúp giờ thứ 9 của khách hàng bớt vất vả mà vẫn có bữa cơm gia đình ngon, sạch" - chị Nhung tâm sự.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần