Vốn ngoại tiếp tục bán ròng, thị trường giảm điểm
VN-Index mở cửa phiên chiều với áp lực bán xuất hiện trở lại và ngày càng gia tăng khiến chỉ số suy yếu và lao dốc, dù lực mua ra sức nâng đỡ nhưng chỉ số vẫn đóng cửa trong sắc đỏ. VN-Index giảm nhẹ 0,67 điểm, đóng cửa tại mức 1.269,9 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch trước đó, với 13,5 nghìn tỷ đồng trên toàn thị trường.
Về mức độ ảnh hưởng, VNM, VCB, VHM và HDB là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 1,7 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, STB, HPG, CTG và MSB là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất với mức tác động hơn 1,1 điểm vào chỉ số.
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục “gồng” chỉ số VN-Index, với loạt cổ phiếu tăng giá như TPB +1,45%, STB +2,11%, MSB +2,77%, EIB +1,07% và các cổ phiếu tăng dưới 1% như MBB, CTG, LPB, ACB, …
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sắc xanh chiếm ưu thế với loạt cổ phiếu bluechip của nhóm này hút dòng tiền của nhà đầu tư trở lại như PDR +1,2%, NTL +1,89%, NLG +1% và các cổ phiếu tăng dưới 1% như KDH, HDG, TCH, BCM, SZC, HDC, …
Ngược lại, bộ 3 cổ phiếu “họ Vin” gồm VHM, VIC và VRE đều giảm dưới 1%. Theo sau các cổ phiếu giảm dưới 1% khác như DIG, NVL, SIP, D2D, …
Nhà đầu tư nước ngoài có phiên thứ 2 liên tiếp bán ròng trên sàn HoSE, với giá trị gần 350 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại bán ra nhiều nhất cổ phiếu VPB với giá trị gần 95 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu HDB (85,54 tỷ đồng), cổ phiếu SHS (56,04 tỷ đồng), cổ phiếu VCG (40,79 tỷ đồng), cổ phiếu OCB (32,27 tỷ đồng), …
Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua vào nhiều nhất cổ phiếu STB với giá trị 62,15 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu TCB (37,85 tỷ đồng), cổ phiếu EIB (21,18 tỷ đồng), cổ phiếu MWG (19,98 tỷ đồng), cổ phiếu FRT (19,41 tỷ đồng), …
FDC tăng hơn 20% sau 4 phiên tăng
Cổ phiếu duy nhất tăng trần trong phiên hôm nay trên sàn HoSE là cổ phiếu FDC của Fideco, tăng 6,97% lên 15.350 đồng/cp. Tuy nhiên, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh chỉ vỏn vẹn 600 đơn vị.
Trong 6 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu FDC đã có 4 phiên tăng giá (gồm 3 phiên tăng trần), thị giá cổ phiếu địa ốc này tăng hơn 20%. Tuy nhiên, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh ở mức thấp chỉ đạt bình quân vài trăm đơn vị mỗi phiên.
Trước đó, FDC bị HOSE đưa vào diện chứng khoán bị cảnh báo từ ngày 5/4/2023 vì báo cáo tài chính kiểm toán 2022 có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm gần 193 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do công ty lỗ sau thuế tới gần 198 tỷ đồng trong năm 2022 vì các khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi, khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến (hơn 200 tỷ đồng).
Tính đến hiện tại, cổ phiếu FDC của Công ty CP Ngoại thương và phát triển đầu tư TP Hồ Chí Minh vẫn bị giữ nguyên diện cảnh báo, nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2024 âm 193,42 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024.