Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khối ngoại bán ròng, VN-Index vẫn xanh

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vòng 2 tháng qua, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (NĐT NN) trên thị trường chứng khoán (TTCK) không mấy tích cực khi họ liên tiếp bán ròng rất mạnh bất chấp việc thị trường liên tục đi lên. Đâu là điểm tựa cho thị trường thời gian này?

Nhà đầu tư theo dõi chỉ số trên sàn chứng khoán. Ảnh: Việt Linh
Vì sao khối ngoại bán ròng?
Áp lực bán ròng của khối ngoại thời gian qua là tương đối mạnh. Trong tuần từ 9 - 13/11, tổng khối lượng bán ròng là 50 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng ở mức 1.523 tỷ đồng. Đây cũng là tuần thứ 7 liên tiếp khối ngoại bán ròng với giá trị tổng cộng 11.873 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, riêng tháng 10, NĐT NN bán ròng 7.450 tỷ đồng. Mới đây nhất trong phiên đầu tuần 16/11 vừa qua, NĐT NN tiếp tục bán ròng 390 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đây là một thực tế gây thắc mắc trên thị trường khi VN-Index liên tục phá đỉnh, vượt xa mốc 960 điểm (966,29 điểm). Lực bán tập trung vào các Bluechips như MSN, HPG, VNM, MBB, CTG, HDB... Đơn cử như MSN đã bị khối ngoại bán ròng trong 5 tuần, với gần 4.164 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, đây là xu hướng chung của thị trường toàn cầu, chứ không chỉ xảy ra ở riêng thị trường Việt Nam. Thống kê cho thấy, trong tháng 10, dòng tiền đầu tư toàn cầu tiếp tục rút khỏi thị trường tiền tệ (-37,7 tỷ USD) và vẫn đổ mạnh vào quỹ trái phiếu (+64,6 tỷ USD). Chính sách tiền tệ nới lỏng đã khiến các quỹ trái phiếu ở tất cả các thị trường đều ghi nhận dòng vốn vào (nhiều nhất là các quỹ trái phiếu Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc).

Nhiều khả năng áp lực bán ròng của khối ngoại trong những tháng gần đây có đóng góp không nhỏ từ các quỹ cận biên (Frontier). Dù được kỳ vọng tăng tỷ trọng trong rổ Frontier Markets trong thời gian tới, tuy nhiên, các quỹ sử dụng tham chiếu Frontier Markets Index đang có xu hướng rút vốn mạnh những tháng gần đây, qua đó tác động tiêu cực tới dòng vốn vào Việt Nam. "Có thể lý giải NĐT NN rút tiền về nước do “ở nhà” cũng đang cần tiền. Hoặc tâm lý bảo toàn vốn giữa bối cảnh rủi ro gia tăng" - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư VinaCapital Andy Hồ nói.

Theo một phân tích từ Công ty chứng khoán Rồng Việt, chỉ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu) của VN-Index đến nay đã là 16 lần, cao hơn thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. P/E của VN-Index đã vượt mức P/E của chỉ số JCI của Indonesia và chỉ số Hang Seng của Hong Kong, ảnh hưởng đến độ hấp dẫn để thu hút các NĐT tài chính nước ngoài.

Dòng tiền nội nâng thị trường

Trước áp lực bán ròng đến từ khối ngoại, dòng tiền nội giúp thị trường duy trì diễn biến tích cực. Theo thống kê, 10 tháng năm 2020, NĐT trong nước đã mở mới gần 290.000 tài khoản, nhiều hơn 100.000 tài khoản so với cả năm 2019 (gần 189.000 tài khoản). Việc NĐT nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây đến từ việc các kênh đầu tư khác đang kém hấp dẫn như: Lãi suất huy động giảm xuống mức thấp; Giá vàng dao động quanh mức cao so với lịch sử và chênh lệch khá lớn so với vàng thế giới; Kênh bất động sản thanh khoản suy yếu do dịch Covid-19; Kênh trái phiếu DN bị siết lại vì Nghị định 81 có hiệu lực vào đầu tháng 9.

Theo VinaCapital, triển vọng tích cực trong dài hạn, dòng tiền ngoại sẽ sớm quay về Việt Nam với kỳ vọng hút dòng tiền từ các NĐT tổ chức lớn. Xung lực tăng điểm được củng cố trước hàng loạt thông tin tích cực đến từ vaccine Covid-19 hay việc chứng khoán Mỹ liên tục xác lập các mức kỷ lục trước kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ cũng như các gói kích thích kinh tế. Đặc biệt là kỳ vọng về nâng hạng thị trường gia tăng sau khi Bộ Tài chính công bố dự thảo cho phép T0 và bán khống.

Mặc dù năm 2020 có tốc độ tăng trưởng kinh tế kém nhất trong nhiều năm, Việt Nam thực ra lại là số ít các quốc gia có tăng trưởng GDP ở mức dương. Trong bối cảnh đại dịch, sự hồi phục của kinh tế Việt Nam cho thấy những tiến bộ đến từ nội lực. Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với các quốc gia thành viên ASEAN và đối tác Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc và New Zealand; với các quốc gia EU như EVFTA hay Hiệp định CPTPP… là cơ hội tốt để thúc đẩy thương mại và đầu tư của Việt Nam. Trong khi chờ đợi NĐT NN quay lại mua ròng, hiện dòng tiền mạnh mẽ của NĐT trong nước đang chống đỡ để cân và kích thị trường bùng nổ.
Không thể phủ nhận, tổng lợi nhuận DN niêm yết trong nước năm 2020 sẽ thấp hơn so với 2019, đây là xu hướng chung của khu vực. Tuy nhiên, VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận DN sang năm 2021 sẽ tăng trung bình 28%. 

Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư VinaCapital Andy Hồ
Kết quả kinh doanh quý III của nhiều DN được công bố khả quan hơn quý II. Đây là thời điểm phù hợp để NĐT bắt đầu sàng lọc và tích lũy những cổ phiếu/nhóm ngành có điểm rơi lợi nhuận trong quý cuối năm cũng như có triển vọng tích cực hơn trong năm 2021... Đó là cổ phiếu trong ngành vật liệu xây dựng hưởng lợi từ chính sách công, nhu cầu dự án bất động sản vẫn cao…, chế biến chế tạo, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe… 

Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BSC Trần Thăng Long