Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khôi phục sức cầu, kích thích nguồn cung

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đầu tư xuất khẩu tiêu dùng nội địa bị suy giảm mạnh, riêng lĩnh vực tiêu dùng thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,8% so với cùng kỳ 2019.

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Công Hùng
Nhiều mặt hàng tăng giá làm giảm sức mua
Về sức mua xã hội, trong 51,8 triệu lao động đang làm việc, trong 6 tháng đầu năm 2020 có đến 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng do dịch, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước gia tăng. Riêng quý II/2020, tỷ lệ thất nghiệp tăng 2,73%, tăng cao nhất trong 10 năm qua. Dịch bệnh tuy đã cơ bản được giải quyết song thu nhập việc làm của người lao động bị suy giảm dẫn tới sức mua của toàn xã hội cũng giảm theo. Mặt khác, các gia đình cũng đi vào tiết kiệm chi tiêu, dành những khoản dự phòng cho những việc đột xuất, từ đó dẫn tới nhu cầu có khả năng thanh toán bị suy giảm mạnh.
Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn còn duy trì ở mức cao, điển hình như giá mặt hàng thịt lợn trong 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng đến 50% ở khu vực chợ lẻ so với giá của giữa năm 2019. Riêng đối với một số siêu thị, giá còn tăng 60 - 70%. Những mặt hàng khác như đường ăn, rau quả, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình... cũng tăng cao vô lý từ 10 - 20%, thậm chí đến 40 – 50%.
Việc tăng giá bất hợp lý đã gián tiếp làm giảm sức mua của người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến sự kích thích và phát triển sản xuất của hàng Việt. Chưa kể những đợt khuyến mại, những tháng khuyến mại trong 6 tháng đầu năm hiệu quả rất thấp bởi sức mua vẫn còn suy giảm. Mặt khác, những yếu tố làm kích thích sức mua trong các đợt khuyến mại còn đang hạn chế như hàng hóa chưa đa dạng, còn những khuyến mại chưa trung thực; Tính minh bạch công khai trước, trong và sau khuyến mại chưa được thể hiện đầy đủ trong các đợt tổng kết...
Về hệ thống phân phối, quan sát trên thị trường cho thấy, hàng loạt thương hiệu siêu thị trên thị trường Việt Nam đã rút lui như: Ochan, Parkson, Fivimart, Citimart, riêng Aeon cũng tạm đóng cửa một phần trung tâm thương mại của mình khi có dịch. Đối với chợ và các cửa hàng lẻ, doanh số sụt giảm từ 30 - 40%, nhiều cửa hàng đóng cửa, treo biển cho thuê. Một số đơn vị bán lẻ đã chuyển sang bán hàng đa kênh, bao gồm cả trực tiếp và online, để bù đắp những khó khăn trong và sau dịch. 
Dùng mọi biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng
Tại Hội nghị trực tuyến ngày 2/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như “cỗ xe tam mã” gồm 3 cấu phần quan trọng, đó là: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Chúng ta phải dùng mọi biện pháp để thúc đẩy cả 3 “con ngựa kéo” để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất”. Với diễn biến về sức mua xã hội, giá cả hàng hóa trên thị trường và hệ thống phân phối cho thấy Chính phủ đã đề cập rất trúng về vai trò quan trọng của “con ngựa tiêu dùng” trong "cỗ xe tam mã" để kích thích phát triển kinh tế sau dịch.
Vậy muốn đẩy mạnh “cỗ xe tam mã”, trong đó có “con ngựa tiêu dùng”, chúng ta phải làm gì? Đầu tiên phải nói đến yếu tố nhu cầu có khả năng thanh toán trong dân. Bài toán đặt ra là phải phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động. Thời gian sau dịch, Chính phủ đã có những cố gắng nâng cao và khôi phục sức mua xã hội bằng các chính sách, trợ cấp phụ cấp cho người dân…
Đi đôi với việc đẩy mạnh sức mua phải phát triển sản xuất hàng hóa, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm, tăng cung cho xã hội, có giá cả cạnh tranh, mẫu mã hàng hóa phải đa dạng phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Có như vậy mới có những tác động tích cực để nâng cao sức cầu của xã hội. Cùng với đó, sản xuất và phân phối nhất thiết phải thiết lập được các chuỗi hoạt động một cách hiệu quả, lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi phải được xác định hợp lý nhằm kích thích chuỗi phát triển ngày càng bền vững. Hàng hóa sản xuất ra phải đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, vừa giảm khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ở thị trường nội địa. Những hành vi trục lợi nhằm thu lợi nhuận ở khâu trung gian và khâu bán lẻ hưởng một cách quá mức là không thể chấp nhận được.
Muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics. Sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm bảo đảm cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai minh bạch trên thị trường, bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những thủ tục hành chính thành lập DN sản xuất kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần phải thông thoáng, tốn ít chi phí và với thời gian; tạo điều kiện cho các DN tiếp cận đất đai, vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Nhà nước cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, khuyến khích các đơn vị làm ăn nghiêm túc đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.