Khởi sắc nhờ nguồn vốn chính sách

Khuất Duyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì đã giải ngân hàng trăm tỷ đồng thông qua các chương trình cho vay ưu đãi, góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn, đầu tư phát triển sản xuất, từng bước giảm nghèo, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đưa vốn đến gần dân

Với phương châm đưa vốn đến gần dân hơn, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với vốn ưu đãi, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại, toàn huyện Ba Vì có 31 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, thị trấn.

Mô hình trồng chè an toàn của chị Đặng Thị Thu Hà – thôn 3 xã Ba Trại. Ảnh: Khuất Duyên
Mô hình trồng chè an toàn của chị Đặng Thị Thu Hà – thôn 3 xã Ba Trại. Ảnh: Khuất Duyên

Tại điểm giao dịch, các chính sách tín dụng ưu đãi được Ngân hàng Chính sách xã hội niêm yết công khai, người vay giao dịch trực tiếp vào ngày cố định hàng tháng trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương cấp xã, các tổ chức nhận ủy thác và ban quản lý tổ.

Xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng đối với phát triển nông thôn, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ba Vì đã phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể gắn công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tính đến cuối tháng 5/2022, trên 100.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Ba Vì được vay vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống với tổng dư nợ 852,6 tỷ đồng. Trong đó có trên 39.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, 191 lượt hộ nghèo là người dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất.

Chị Đặng Thị Thu Hà – hội viên phụ nữ thôn 3, xã Ba Trại, huyện Ba Vì chia sẻ: “Hội Phụ nữ xã, Chi hội Phụ nữ thôn kết hợp cùng tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã tìm hiểu kỹ nhu cầu, tạo điều kiện cho gia đình tôi vay vốn ưu đãi. Nhờ nguồn vốn vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình, chúng tôi mới có cơ ngơi như ngày hôm nay”.

Tạo động lực cho xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh giúp các hộ dân phát triển sản xuất, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng góp phần quan trọng trong thực hiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn huyện Ba Vì.

Cụ thể, theo thống kê, thông qua các chương trình hỗ trợ cho vay vốn, đã có gần 18.700 lượt hộ dân huyện Ba Vì thoát nghèo; trên 33.000 lao động được tạo việc làm. Với tiêu chí giáo dục và đào tạo, nguồn vốn chính sách đã giúp trên 16.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập.

Con đường khang trang sạch đẹp của xã Tản Lĩnh sau về đích Nông thôn mới.
Con đường khang trang sạch đẹp của xã Tản Lĩnh sau về đích Nông thôn mới.

Ngoài ra, hơn 41.000 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 1.600 ngôi nhà cho hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố từ nguồn vốn tín dụng chính sách cũng góp phần giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm, nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Đình Hùng cho biết, xã đã về đích nông thôn mới năm 2021. Để đạt được thành quả này, ngoài những nguồn lực đầu tư khác, thì nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội có vai trò rất quan trọng. Nguồn vốn này đã giúp cho bà con Nhân dân trong xã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Hiện toàn xã chỉ còn 12 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1%, đạt chỉ tiêu về giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trong huyện Ba Vì, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, các xã miền núi, xã đảo Minh Châu... Qua đó, từ một địa bàn còn nhiều khó khăn, đến nay, huyện Ba Vì đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu là tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 3% năm 2010 xuống còn 0,82% năm 2021.