Khơi thông các dự án nhà ở

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thiếu nguồn cung nhà ở, đặc biệt là nhà ở phục vụ nhu cầu cho nhóm người thu nhập thấp tại Thủ đô Hà Nội, đang đặt ra nhiều thách thức cho nhà quản lý, mặc dù chính quyền TP đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch để khắc phục tình trạng này.

Theo chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng mới thêm 33,2 triệu mét vuông sàn nhà ở, diện tích bình quân 29,5m2/người. Như vậy, với mục tiêu nêu trên, trong giai đoạn này nhu cầu của người dân sẽ cần xấp xỉ 100.000 căn hộ.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với những khó khăn chung của thị trường cả nước, nguồn cung mới nhà ở tại Hà Nội bị giảm sút mạnh. Số liệu từ Bộ Xây dựng cho biết, riêng trong quý III/2023 toàn thị trường chỉ có 1.800 sản phẩm được mở bán mới, tính chung trong 10 tháng năm 2023 nguồn cung mới đạt xấp xỉ 7.000 sản phẩm, bằng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, trong quý này không có thêm bất cứ dự án nhà ở thương mại nào được cấp phép mới.

Trong hoàn cảnh tương tự, phân khúc nhà ở xã hội (NƠXH) phục vụ nhu cầu của nhóm người thu nhập thấp cũng thiếu nguồn cung nghiêm trọng. Cụ thể, Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội mục tiêu xây dựng mới khoảng 1,25 triệu mét vuông sàn NƠXH. Nhưng đến nay, khi đã đi qua được một nửa quãng thời gian triển khai thực hiện, toàn TP mới chỉ có 5 dự án NƠXH được hoàn thành với khoảng 345.000m2 sàn, đạt 27,6% mục tiêu đề ra. Như vậy, trong vòng 2 năm nữa phải xây dựng thêm gần 900.000m2 sàn NƠXH là thách thức vô cùng lớn.

Để giải quyết những khó khăn nêu trên, mới đây UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 6017/2023/QĐ-UBND về việc cập nhật danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn 2021 – 2025, bổ sung thêm 12 dự án nhà ở thương mại và 3 dự án NƠXH. Nếu hoàn thành đúng theo kế hoạch thì cơ bản sẽ đạt được mục tiêu đặt ra và người dân trong đó có nhóm người thu nhập thấp sẽ thêm cơ hội được sở hữu nhà ở.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề liên quan đến pháp lý, khi cả nước vẫn đang phải chờ Quốc hội thông qua các văn bản pháp lý sửa đổi quan trọng, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi). Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, trong khoảng thời gian phải chờ thì chính quyền Hà Nội cần gấp rút thực hiện giải pháp giúp cho các dự án nhà ở đang bị ách tắc về pháp lý, nguồn vốn được tái khởi động trở lại; hạn chế cấp phép cho những dự án nhà ở thương mại để ưu tiên quỹ đất cho dự án NƠXH. Đồng thời đẩy mạnh triển khai công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ... Bên cạnh đó, TP cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm từ quốc tế đối với việc xây dựng mô hình chùm đô thị.

Vấn đề quan trọng nhất trước mắt đối với công tác phát triển nhà ở là phải tập trung vào sản phẩm nhà ở giá rẻ, gắn với nhu cầu sử dụng thực tế của người dân. TP nên quyết liệt hơn nữa việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án xây dựng nhà ở, nếu những vấn đề vượt thẩm quyền thì chủ động xin cơ chế đặc thù. Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu, cho phép Hà Nội những cơ chế đặc thù trong phát triển nhà ở, nếu không thì mục tiêu phát triển nhà ở của TP Hà Nội sẽ khó thành hiện thực.