70 năm giải phóng Thủ đô

Khơi thông chính sách hỗ trợ hợp tác xã

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 4 năm triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã (HTX), liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đến nay, các HTX trên địa bàn Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Hợp tác xã chưa tiếp cận được vốn vay

Theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP (Nghị định số 98), HTX có thể được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết (tối đa là 300 triệu đồng) bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, phát triển thị trường… Đây là những hỗ trợ thiết thực, giúp HTX hoàn thiện các bước sau thu hoạch, đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng liên kết lỏng lẻo, giá cả bấp bênh.

Gian hàng Chợ cá Việt tại quận Hoàng Mai của Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt. Ảnh: Trọng Tùng
Gian hàng Chợ cá Việt tại quận Hoàng Mai của Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt. Ảnh: Trọng Tùng

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Khoa học phát triển nông thôn Liên Hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội) Phạm Thị Mỹ Dung, sau 4 năm triển khai, hầu như chưa có HTX nào tiếp cận được nguồn vốn vay từ chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển chuỗi liên kết theo quy định tại Nghị định số 98.

Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho hay, thời gian qua, HTX đã tìm cách tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nghị định số 98 nhưng gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, để được hỗ trợ, các nội dung liên kết chuỗi cần phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Song do các thủ tục gặp vướng nên việc xây dựng phương án đề nghị được hỗ trợ vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt Lê Văn Việt chia sẻ, mô hình liên kết giữa đơn vị và 15 DN, HTX khác hướng đến việc giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm thủy sản an toàn bước đầu mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, cả 3 HTX tại Hà Nội tham gia mô hình liên kết vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ tại Nghị định số 98 mà phải huy động vốn vay từ các tổ chức tín dụng để đầu tư xây dựng khu sơ chế, chế biến thủy sản.

Cần kịp thời điều chỉnh chính sách

Khảo sát của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hiện tại, phần lớn HTX của TP vẫn chưa thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, bởi các dự án liên kết thường thực hiện theo giai đoạn 3 - 5 năm.

Trong khi đó, việc quy định chi, hình thức chi và nguồn vốn dành cho việc hỗ trợ thường được đăng ký, phân bổ từng năm dẫn đến việc giải ngân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro do thiên tai, giá cả thị trường biến động nên các HTX vẫn e dè ký hợp đồng lâu dài với nông dân.

Đề xuất giải pháp đưa Nghị định số 98 vào thực tiễn, nhiều HTX kiến nghị, Sở NN&PTNT Hà Nội và các cơ quan chức năng của TP hỗ trợ HTX trong khâu hoàn thành các thủ tục để sớm được hưởng chính sách.

Bên cạnh đó, Sở cần kiến nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ xem xét giảm quy định thời gian liên kết ổn định tối thiểu 5 năm xuống còn 3 năm; có hướng dẫn cụ thể về công tác giải ngân từng danh mục hỗ trợ và bố trí nguồn kinh phí riêng thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Để triển khai Nghị định số 98 hiệu quả hơn trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện chính sách bảo đảm phù hợp thực tiễn.

Bên cạnh đó, Sở sẽ từng bước hỗ trợ nguồn vốn xây dựng chuỗi giá trị một cách đồng bộ, tạo cơ chế, chính sách theo Nghị định số 98 nhằm hỗ trợ các HTX, DN, nông dân trong liên kết tiêu thụ nông sản. Đồng thời, triển khai các cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản.

 

"Về phía các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, thống kê danh sách các chủ thể đã có hoặc đang xây dựng liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tích cực tư vấn, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện nội dung đề xuất theo Nghị định số 98, trình cơ quan chức năng thẩm định hỗ trợ."  - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường