Khơi thông đầu ra cho sản phẩm OCOP

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội hiện có 1.649 sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhưng việc nâng cao giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề vẫn là bài toán khó. Để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng mỗi liên kết giữa nhà sản xuất với DN bán lẻ.

Nan giải đầu ra sản phẩm

Anh Phùng Đắc Dũng, thành viên Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nghệ và tinh dầu Bà Bé (Gia Lâm) cho biết, HTX có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Nguyễn Linh
Giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Nguyễn Linh

Tuy nhiên, đây là những mặt hàng thuộc lĩnh vực không thiết yếu, chỉ được một mảng khách hàng nhất định tiêu thụ. Vì vậy các thành viên HTX Bà Bé mong muốn có thêm nhiều cơ hội được kết nối, tiêu thụ ở các cửa hàng, siêu thị có đầu ra ổn định. Về vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sạch Ba Vì Nguyễn Thanh Vân than thở, đơn vị có 2 trại chăn nuôi ở huyện Ba Vì với quy mô hàng nghìn con lợn, gà mỗi năm. Năm 2019, DN đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP TP Hà Nội. Tuy nhiên, việc liên kết với DN bán lẻ để đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ không hề dễ dàng.

Tình trạng của 2 DN, HTX trên cũng là khó khăn chung đối với nhiều đơn vị đang có sản phẩm OCOP của TP Hà Nội. Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP khó tiêu thụ bởi được sản xuất theo mùa vụ nên chỉ có thể đưa ra thị trường trong một thời gian nhất định. Đây chính là điểm yếu của các sản phẩm OCOP khó đáp ứng được các đơn hàng lớn cho DN bán lẻ.

Trong khi DN sản xuất sản phẩm OCOP loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm thì nhiều DN bán lẻ chưa gặp được các chủ thể có sản phẩm tốt để kết nối tiêu thụ.

Giám đốc Công ty CP xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch cho biết, DN cần một lượng lớn sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đạt chuẩn OCOP để cung cấp cho các bếp ăn trường học; bán tại các sàn thương mại điện tử và khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của công ty... Do đó, đơn vị mong muốn được kết nối với các nhà sản xuất uy tín và có thể cung cấp sản phẩm với số lượng, chất lượng, giá cả ổn định…

Tại buổi Tọa đàm “Phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm OCOP” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) vừa tổ chức, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) Bùi Huy Hoàng và các cơ quan quản lý chỉ rõ, hiện nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ, chứng từ trong giao dịch, mua bán.

Ngoài ra, chủ thể tham gia OCOP là các hộ sản xuất, DN có quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ. Bên cạnh đó, mặc dù được đánh giá tốt về chất lượng, song DN sản xuất chưa chú trọng tới xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác chưa bắt mắt thậm chí ghi nhãn thiếu thông tin theo quy định… Điều này khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại.

Tăng cường kết nối

Kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm OCOP là vấn đề luôn được TP Hà Nội quan tâm, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã phát triển 85 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề qua đó tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Trong khi đó, Phó Giám đốc HPA Lê Tự Lực khuyến nghị, để tiêu thụ sản phẩm OCOP thì giải pháp cần thiết hiện nay là thành lập các HTX làm đầu mối hợp tác với DN trong tiêu thụ sản phẩm, bởi DN bán lẻ không thể ký hợp đồng với từng hộ sản xuất nhỏ lẻ...

Ở chiều ngược lại, nhà phân phối nên cung cấp thông tin về xu hướng tiêu thụ để người sản xuất có định hướng phát triển sản phẩm OCOP phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. “Thời gian tới HPA sẽ phối hợp với các huyện tổ chức để tập huấn, đào tạo về xúc tiến thương mại cho các chủ thể có sản phẩm OCOP, giúp các chủ cơ sở sản xuất có thêm kỹ năng trong tiếp thị, bán sản phẩm” - ông Lực thông tin.

Dưới góc độ DN bán lẻ, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Retail Phạm Thị Thùy Linh cho biết, hiện trên các kệ hàng của Siêu thị Big C Thăng Long đang có 50 sản phẩm OCOP đến từ các địa phương. Để hỗ trợ các DN tiêu thụ sản phẩm OCOP, Tập đoàn Central Retail đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như ưu tiên hỗ trợ không chiết khấu, trưng bày và các chương trình thúc đẩy bán hàng.

“Nếu như những sản phẩm OCOP đó được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng thì chúng tôi sẵn sàng tư vấn các DN sản xuất cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm hay hỗ trợ phương pháp đặt hàng, giao hàng cho hợp lý” - bà Linh nhấn mạnh.

Về phía TP Hà Nội, nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các chủ thể OCOP, thời gian tới, TP sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP cấp TP. Thông qua đó, giúp cho DN, HTX sản xuất sản phẩm OCOP có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, để thích ứng với thời đại công nghệ số, Hà Nội cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX chuyển đối số để đổi mới trong việc tiếp cận khách hàng và đẩy mạnh xuất khẩu.