Song, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu và chưa được cải thiện đáng kể - điều này phải được nhìn nhận kỹ càng để có đối sách đúng đắn trong điều hành kinh tế năm 2013. Đó là nhận định tại "Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2012", do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) chủ trì tổ chức ngày 23/11 tại Hà Nội.
Lắp ráp ô tô tại Công ty VINAXUKI. Ảnh: Bùi Khải
Cải thiện chưa đáng kể
Các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2012 thực hiện khi kinh tế thế giới có nhiều biến động không thuận lợi, song các chỉ tiêu đạt được tính đến nay cho thấy việc thực thi chính sách cơ bản đúng hướng: Lạm phát, tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối, cán cân thương mại, thanh toán... có nhiều chuyển biến tích cực.
Dù vậy, gần đây Ngân hàng Thế giới, HSBC, Quỹ Tiền tệ Quốc tế… đều đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2012 chỉ đạt 5 - 5,2%. Đáng chú ý, trong những ngành đóng góp vào tăng trưởng, nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng chậm lại (9 tháng năm 2012 chỉ tăng 2,48%, trong khi cùng kỳ năm 2011 tăng 3,75%), công nghiệp sụt giảm mạnh (chỉ số công nghiệp 9 tháng tăng 4,8%, chỉ bằng nửa các năm trước, tồn kho trên 20%). Tổng vốn FDI thu hút được giảm gần 28%, trong đó quy mô vốn trung bình của một dự án mới có sự thu hẹp rõ rệt.
TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) đánh giá, năm 2012, các tồn tại của nền kinh tế Việt Nam như năng suất lao động, hiệu quả sử dụng công nghệ, thu hút FDI về vốn, lao động… chưa chuyển biến nhiều. Đáng lo ngại, sự phụ thuộc ngày càng lớn vào xuất khẩu (XK) và tỷ trọng gia tăng của FDI trong XK, năng lực sản xuất của doanh nghiệp (DN) nội địa chưa cải thiện, hiệu quả tái cơ cấu cả DN Nhà nước lẫn DN tư nhân chưa rõ nét…
Những điều này cho thấy, Việt Nam sẽ đối mặt nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế kéo dài nếu ngay từ bây giờ không có những cải cách đồng bộ như nâng cao hiệu quả đầu tư công, tái cấu trúc DN và hệ thống ngân hàng… gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Hai “nút thắt” lớn nhất
Có nhiều nguyên nhân làm suy giảm kinh tế năm 2012, song TS Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định: Một lý do chủ yếu là tình trạng tắc nghẽn tín dụng, gây sụt giảm mạnh vốn đầu tư toàn xã hội. Nợ xấu tăng nhanh và chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống ngân hàng thương mại, dẫn đến tín dụng mới khó đưa ra được nền kinh tế, nên vốn đầu tư dần suy kiệt và cầu tiêu dùng nội địa giảm mạnh.
Đến thời điểm này, dù đã có nhiều biện pháp kích thích tổng cầu như đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước, hoãn giảm thuế DN… nhưng tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu, chưa cải thiện đáng kể. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp là lượng hàng tồn kho công nghiệp, nhất là những lĩnh vực sản xuất liên quan đến bất động sản - xây dựng như xi măng, sắt thép, gạch ngói… tăng cao mà tới nay vẫn chưa có giải pháp đủ mạnh để phục hồi. Mỗi năm ngành xây dựng thường đóng góp 8 - 10% tăng trưởng GDP, nhưng trong hai năm 2011 - 2012 đã tăng trưởng âm.
Đồng quan điểm này, TS Phạm Lan Hương chia sẻ: Năm 2012, số DN đóng cửa quá nhiều, những DN còn "sống" thì năng lực hấp thụ quá yếu. Đó là biểu hiện ít xảy ra từ trước đến nay. Tỷ lệ hàng tồn kho cao, tuy đã giảm nhưng thực tế mới giảm tồn mặt hàng cũ. "Hai điểm "nghẽn" này nếu không sớm được khơi thông, sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng trên 5% như Chính phủ đặt ra cho năm 2013. Cơ quan hoạch định chính sách cần phân tích cụ thể tồn kho nằm ở đâu (chứ không chỉ ở bất động sản), nợ xấu tăng cụ thể ở nhóm nào, tại sao DN đóng cửa…, chứ không thể đưa ra quan điểm chung chung" - TS Phạm Lan Hương nhấn mạnh.
“Chìa khóa” giải quyết chuyện suy giảm tổng cầu thời gian tới là đẩy nhanh giải phóng tồn kho các mặt hàng liên quan đến xây dựng, bằng cách mở rộng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với nguồn vốn từ phát hành trái phiếu công trình (ước tính có thể phát hành 60.000 - 80.000 tỷ đồng). Nhờ đó, sẽ "thúc" cầu đầu tư và cầu tiêu dùng, đẩy nhanh hồi phục tăng trưởng trong năm 2013. TS Hà Huy Tuấn Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia |