Cùng với việc bàn giải pháp đột phá để tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công của TP Hà Nội, một nội dung được chú ý tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP đang diễn ra là việc xem xét Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy tinh thần “cấp nào thực hiện tốt thì giao cấp đó”, tránh tình trạng ôm việc, dẫn đến ách tắc.
Hà Nội cũng là địa phương tiên phong trong cả nước về thực hiện phân cấp và có hệ thống văn bản quy phạm về phân cấp tương đối bao quát trong các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh việc thực hiện phân cấp, lãnh đạo TP cũng đã thực hiện ủy quyền nhiều nhiệm vụ trên các lĩnh vực nhằm góp phần cải cách hành chính, khuyến khích sự năng động, sáng tạo, tăng cường tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của các chủ thể được ủy quyền.
Thực tế cho thấy, nhiều lĩnh vực, việc phân cấp, ủy quyền phù hợp đã tạo ra hiệu quả. Như trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, việc gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ đã tạo chuyển biến tích cực.
Tại nhiều quận, huyện, đạt tỷ lệ giải ngân cao bởi người đứng đầu đã thực sự vào cuộc trong trách nhiệm được phân quyền, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ…
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những vướng mắc, nhiều lĩnh vực việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để, dẫn đến chồng chéo, ách tắc.
Việc Hà Nội thực hiện rà soát tổng thể về phân cấp, ủy quyền và xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP được nhận định là việc rất cần thiết. Nhưng đúng như Bí thư Thành ủy đã nói tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ của TP, đây là một nhiệm vụ khó, phức tạp, có tính bao quát rộng trên toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản, tính khả thi còn phụ thuộc nhiều yếu tố như năng lực bộ máy cán bộ, nguồn lực về tài chính…
Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả vẫn cần sự rà soát cụ thể, đánh giá thực chất những mặt được, mặt chưa được. Để từ đó có thể đề xuất các nội dung, lĩnh vực, nhiệm vụ cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cũng như các thủ tục hành chính có thể ủy quyền cho chính quyền địa phương trên tinh thần cấp nào, địa phương nào làm tốt hơn, hiệu quả hơn, thuận lợi và kịp thời hơn thì giao cho cấp đó, phù hợp với trình độ, khả năng quản lý. Với mục đích trên hết là nhằm phục vụ tốt nhất đời sống dân sinh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Với đề án lần này, chắc chắn nhiều lĩnh vực sẽ có sự phân cấp mạnh hơn trong quản lý như với đồng bộ giữa đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với đường đô thị; với lĩnh vực cây xanh, chiếu sáng, thoát nước; đầu tư chợ... Hay trong lĩnh vực quản lý sau đầu tư đối với lĩnh vực di tích để phù hợp với thực trạng quản lý hiện nay, TP cũng chỉ quản lý sau đầu tư các di tích quan trọng… Đồng thời với nhiều lĩnh vực, còn giúp giải phóng được nguồn lực của các quận, huyện có nguồn lực tốt, tăng tính chủ động, cải cách hành chính thực chất.
Trên cơ sở pháp lý đã có, với đề án này và việc tập trung tháo gỡ những “nút thắt” thể chế sẽ giúp các đơn vị, địa phương được phân cấp, phân quyền làm tốt hơn công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc xử lý các vi phạm trong thực hiện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực cũng là vấn đề được lưu tâm, để bảo đảm thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm. Từ đó, khơi thông được nguồn lực, có bứt phá mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.