Sự sàng lọc cần thiết
Kinhtedothi - Trong Dự thảo Luật Cán bộ, Công chức (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung quy định về sát hạch cán bộ, công chức để thực hiện cơ chế sàng lọc đội ngũ theo nguyên tắc cạnh tranh, có vào, có ra, có lên, có xuống.
Đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm từ dư luận để triệt để khắc phục được sự trì trệ trong giải quyết công việc của một bộ phận, ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Trước đó, từ tháng 7/2020, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chính thức có hiệu lực, đã thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức, bãi bỏ việc ký hợp đồng không thời hạn, trừ một số trường hợp đặc biệt. Quy định này chưa áp dụng với công chức, tuy nhiên, những quy định hiện nay cũng không có khái niệm công chức, viên chức suốt đời, bởi mỗi năm đều có sự đánh giá công chức, viên chức. Đi kèm với sự đánh giá đó cũng có những quy định để đào thải những người không đáp ứng yêu cầu công việc, như hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cho thôi việc… Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc đánh giá còn nể nang, cảm tính nên quy định này chưa đem lại hiệu quả, chưa thể loại bỏ được những trường hợp năng lực yếu kém qua đánh giá bởi “hầu như không có ai xếp loại yếu kém”. Do đó, nhiều người không làm tốt, không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn “an toàn” ở vị trí công tác, từ đó làm cho bộ máy yếu kém, nảy sinh tiêu cực - một trong những nguyên nhân dẫn đến đội ngũ cán bộ, công chức dù đông nhưng không mạnh.
Chính đánh giá của Bộ Nội vụ cũng cho thấy, thực trạng đội ngũ công chức ở tình trạng vừa thừa, vừa thiếu; tình trạng né tránh, đùn đẩy, không dám nghĩ, dám làm; tâm lý "đã vào Nhà nước là an toàn", "tình trạng công chức suốt đời", cơ chế đào thải không đủ mạnh, nguyên nhân là do thiếu cơ chế cạnh tranh, sàng lọc trong đội ngũ, cơ chế, phương thức đánh giá, xếp loại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, với việc sửa đổi Luật Cán bộ, Công chức lần này, Bộ Nội vụ đã đề xuất bổ sung quy định về sát hạch để thực hiện cơ chế sàng lọc đội ngũ theo nguyên tắc cạnh tranh, có vào, có ra, có lên, có xuống. Những quy định này là cần thiết, được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng né tránh, đùn đẩy, chây ì và những bất cập hiện nay để bảo đảm xây dựng đội ngũ tinh thông, chất lượng. Đồng thời, chính sách “thi đua, cạnh tranh có đào thải” sẽ thanh lọc những cá nhân không đủ năng lực, ý thức trách nhiệm kém, vừa nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN, vừa tối ưu hóa bộ máy.
Những quy định chặt chẽ trong sát hạch với tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch sẽ giải quyết tồn tại trong công tác đánh giá, để công tác đánh giá được thực chất và ý nghĩa hơn. Từ đó, phát huy hiệu quả một giải pháp quan trọng trong nâng cao chất lượng đội ngũ, khắc phục triệt để trường hợp cán bộ, công chức, viên chức làm việc theo tư duy cầm chừng, thiếu trách nhiệm, không đáp ứng yêu cầu công việc. Hơn thế, việc sát hạch, sàng lọc sẽ góp phần thay đổi tư duy trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị công vụ, "vì việc tìm người", tức từ cơ sở công việc đề ra, sẽ xác định rõ năng lực, hiệu quả của từng người, qua đó đánh giá được cán bộ, công chức nào làm được việc, không làm được việc. Đồng thời, cũng “cởi trói tư duy”, tạo ra động lực phấn đấu cho đội ngũ cán bộ, công chức, để thúc đẩy sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bảo đảm bộ máy hoạt động năng động, sáng tạo và hiệu quả hơn, đáp ứng đúng yêu cầu ngày càng cao hiện nay.