Bài 1: Cứ trống là… lách Mỗi người cần ý thức hơn khi tham gia giao thông - thông điệp ấy được đưa ra trong rất nhiều cuộc vận động, tuyên truyền. Song, dường như vẫn chưa mấy "ngấm" vào mỗi người. Bởi thế, cảnh tắc đường, chen lấn, vi phạm luật vẫn diễn ra thường xuyên. Và con số thống kê của cơ quan chức năng đưa ra cho thấy, có đến hơn 80% số vụ TNGT là thuộc lỗi chủ quan của người tham gia giao thông cũng là điều không mấy ngạc nhiên. Nhiều “thói quen” xấu Đường La Thành đầu giờ sáng tắc nghẽn cả một đoạn dài theo hướng Cầu Giấy đi Nguyễn Chí Thanh, bởi ô tô, xe máy "đan vào nhau" có cảm giác như không thể gỡ ra. Và "cục tắc" ấy cứ như càng thêm khó gỡ khi những người đi sau thấy phía bên chiều đường kia có khoảng trống là "lách" lên, lấn sang. Nhiều người đi đúng làn đường bức xúc lên tiếng nhưng dòng người vẫn cứ dồn lên. Như một "thói quen" khó bỏ, nhiều người khi ra đường không biết làn đường, phần đường dành cho mình, mà cứ "thấy trống là lách". Chính sự thiếu ý thức ấy cũng là nguyên nhân gây ra cảnh tắc đường.
Không khó để bắt gặp hình ảnh người điều khiển xe máy “trèo” lên vỉa hè như trên phố Quốc Tử Giám. Ảnh: Phạm Hùng |
Có người đã ví rằng, giao thông ở Hà Nội nói riêng và nhiều TP trên cả nước nói chung giống như kiểu "đàn kiến". Khi gặp vật cản phía trước, thay vì dừng lại tuần tự đi qua, lập tức vòng sang bên cạnh để đi. Ai cũng muốn mình phải nhanh hơn người khác, vượt lên trước người khác. Chỉ cần trực tiếp tham gia giao thông trong vài giờ đồng hồ, bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy sự "thiếu văn hóa" của khá nhiều người tham gia giao thông. Các phương tiện tham gia giao thông trên đường như một bầy ong vỡ tổ mạnh ai nấy đi, không phân biệt làn đường, vạch phân làn, vượt xe khác chẳng theo bất kỳ một quy định nào. Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, bóp còi inh ỏi diễn ra ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt tại những nơi không có CSGT. Có một thực tế cho thấy, nhiều người chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật khi tham gia giao thông bị xem là "ấm đầu"... Một người đàn ông kể, mỗi khi lưu thông trên đường, thấy đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ, dù ngã tư vắng, không có CSGT, ông dừng xe lại, lập tức bị mấy thanh niên đằng sau húc luôn vào đuôi xe. Nói thế để thấy rằng, cái gọi là ý thức văn hóa khi tham gia giao thông với nhiều người dường như khó học? Khó chuyển? Dù rằng, Hà Nội đã chú trọng rất nhiều đến việc tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ, TNGT đã giảm, nhưng cũng phải thừa nhận ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa có những chuyển biến mạnh. Nhiều hành vi có thể coi là thiếu văn hóa và không đáng có nhưng lại xảy ra rất phổ biến trên đường phố.
Theo kết quả điều tra xã hội học gần đây đối với hơn 400 người vi phạm luật giao thông cho thấy, có tới 71,8% số người trả lời vì không thấy công an, 55% đưa ra lý do là làm theo người khác. |
Chẳng hạn như khi có vụ va quệt giao thông trên đường phố dẫn tới cãi vã, xô xát, hàng trăm người đang tham gia giao thông hiếu kỳ dồn lại xem, nên tắc đường là lẽ đương nhiên… Một vấn đề nổi cộm hiện nay là giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường, đặc biệt là tại các trường phổ thông chưa đạt hiệu quả cao. Vẫn có rất nhiều học sinh chưa đủ tuổi nhưng được gia đình vẫn giao xe máy đi đến trường. Bên cạnh đó, ngay cả phụ huynh cũng "góp phần" làm nên cái gọi là kém ý thức như đứng đón con tràn lề đường, tắc đường thì cứ cố len lên vỉa hè, đi ngược chiều... khiến đường đã tắc lại càng thêm tắc… Tại trường Tiểu học Dịch Vọng A, quận Cầu Giấy, vì đường vào trường hẹp, thường xuyên xảy ra ùn tắc do ô tô và xe máy của phụ huynh như "đan" vào nhau, dù nhà trường trong các cuộc họp phụ huynh đã "tha thiết" đề nghị các phụ huynh đưa đón con bằng ô tô không cho xe đi sát vào cổng trường, nên đỗ xe ở ngoài đường lớn. Không những thế, nhà trường còn làm rất nhiều hình thức để tuyên truyền tới các phụ huynh và mong nhận được sự hợp tác. Nhưng đáp lại yêu cầu ấy, không ít người vẫn cứ cho ô tô đỗ sát cổng trường, "tiện" cho con lên xuống. Và cái cảnh giờ tan trường người đi ra không thể nhích lên, người đi vào đứng im tại chỗ hàng ngày vẫn lặp lại vì chỉ cần 2 cái ô tô thôi là đường… tắc ứ, rồi xô xát, cãi vã trước mặt con trẻ. Nhiều người nhìn cảnh đó lắc đầu: "Phụ huynh không làm gương, hỏi sao trẻ có ý thức?". (Còn nữa)