Khởi tố vụ án mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công an TP (CATP) Hà Nội đã có thông báo chính thức quá trình điều tra vụ mua bán trẻ em liên quan đến chùa Bồ Đề ở quận Long Biên, TP Hà Nội.

Chiều 4/8, Công an TP (CATP) Hà Nội đã có thông báo chính thức quá trình điều tra vụ mua bán trẻ em liên quan đến chùa Bồ Đề ở quận Long Biên, TP Hà Nội.

Theo đó, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội). Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978), người quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, quê xã Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình) đã bị bắt để phục vụ công tác điều tra hành vi mua bán trẻ em.
Đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt
Đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt
Từ nguồn tin phản ánh về việc cháu Cù Nguyên Công (SN 2013, con trai đỡ đầu của anh Nguyễn Thành Long, ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) mất tích không rõ lý do, Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã vào cuộc điều tra, làm rõ.

Qua quá trình điều tra, Đội 12, Phòng CSHS - CATP nắm được bé Công là kết quả của mối tình vụng trộm giữa đôi trai gái quê ở tỉnh Tuyên Quang và Hà Nội. Do không thể đi đến hôn nhân, sau khi có thai, cô gái đã tìm một nhà nghỉ ở quận Nam Từ Liêm làm nơi sinh cháu Công. Do sợ bị gia đình biết, họ đã mang cháu bé đến chùa Bồ Đề, quận Long Biên nhờ nuôi dưỡng. Anh Nguyễn Thành Long đến chùa Bồ Đề làm từ thiện, đã nhận bé Công làm con đỡ đầu. Sau đó, thỉnh thoảng anh Long vẫn sang chùa Bồ Đề thăm cháu, nhưng từ đầu năm 2014 đến nay thì không được gặp cháu nữa.

Cơ quan công an xác định, cách đây một năm, một phụ nữ tên là Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) đã nhờ Trang tìm cho một đứa trẻ khỏe mạnh để nhận làm con nuôi. Trước đó, Nguyệt đã nhận nuôi 2 đứa trẻ khác và hứa bồi dưỡng cho Trang tiền. Giữa tháng 12/2013, Trang nói với mẹ bé Công là có người bà con muốn nhận cháu về làm con nuôi và nhờ người quen tên là Minh, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên nhập vai là chị dâu của Trang để gặp mẹ bé Công nói chuyện. Sau khi mẹ bé Công đồng ý, Trang yêu cầu Nguyệt phải chi 40 triệu đồng để trả cho mẹ cháu. Nguyệt chấp thuận và chuẩn bị trước 35 triệu đồng. Ngày 2/1/2014, tại nhà mẹ đẻ Trang ở huyện Thanh Trì, Nguyệt đã nhận bé Công và cùng Trang đưa cháu đi xét nghiệm HIV, rồi giao tiền cho đối tác như đã thỏa thuận. Sau đó, cháu Công được Nguyệt đưa về quê ở tỉnh Ninh Bình làm giấy khai sinh với tên Phạm Gia Bảo, sinh ngày 10/10/2013 (thực chất, cháu Công sinh ngày 26/10/2013). Mẹ bé Công được Trang chuyển cho 10 triệu đồng vào tài khoản.

Cơ quan công an xác định, Trang đã cấu kết, bàn bạc để tìm cách đưa cháu bé vào chùa rồi sau đó tìm cách đưa trẻ ra ngoài chùa, bán cho Nguyệt.

Về thông tin bé Công đã qua đời vào ngày 27/6 vừa qua, đại diện cơ quan công an cho biết có nhận được thông tin trên và sẽ khẩn trương xác minh, nếu cần thiết sẽ sử dụng các biện pháp pháp y. Cơ quan điều tra cũng tiếp tục làm rõ có bao nhiêu trẻ em được nuôi tại chùa Bồ Đề đã bị đem cho, bán.

Trong quá trình điều tra, lực lượng công an đã phát hiện và thu giữ nhiều giấy khai sinh của các cháu bé không phải con đẻ của Nguyệt và giấy viết tay của người khác, có dấu hiệu làm giả để hợp thức hóa nguồn gốc các cháu bé Nguyệt đang nuôi.

Cơ quan điều tra đã triệu tập những người có liên quan để làm rõ các tình tiết của vụ án, trong đó có sư Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề.  Bước đầu, cơ quan điều tra thông tin, sư thầy Thích Đàm Lan không liên quan đến hành vi "Mua bán trẻ em" của hai đối tượng nêu trên.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 4/8, lãnh đạo UBND quận Long Biên xác nhận đã thành lập tổ kiểm tra để phối hợp cùng các cơ quan chức năng làm rõ sự việc. Trước đó, khi nghe thông tin về tình trạng mua bán trẻ em xảy ra tại đây, Ni sư Thích Đàm Lan (trụ trì chùa Bồ Đề) đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị điều tra cụ thể.

Hiện, vụ việc đang tiếp tục được  điều tra, làm rõ. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần