Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi:

Khốn khổ vì Dự án y tế 287 tỷ đồng chậm tiến độ

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Dù có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân huyện đảo và được “ưu ái” bố trí vốn, nhưng dự án Trung tâm y tế Quân - Dân y kết hợp Lý Sơn vẫn không thể hoàn thành trước 30/4/2023.

“Cắn răng” thuê tàu vượt biển đi cấp cứu

Với thực trạng cơ sở hạ tầng, năng lực điều trị của ngành y tế Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) còn hạn chế, thời gian qua, người dân huyện đảo này phải đối mặt với nhiều khó khăn và nguy cơ khi gặp tai nạn hoặc bệnh nặng, cần chuyển lên tuyến trên, đặc biệt là mùa mưa bão.

Một trường hợp sốt xuất huyết phải vượt biển vào đất liền cấp cứu.
Một trường hợp sốt xuất huyết phải vượt biển vào đất liền cấp cứu.

Đơn cử như vào tháng 10/2022, dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Lý Sơn với thời điểm cao trào, mỗi ngày có từ 4-5 ca bệnh phải nhập viện. Trong số này, không ít trường hợp chuyển nặng, vượt khả năng điều trị của y tế huyện đảo, cần phải đưa vào đất liền điều trị.

Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết xấu, biển động, vận tải khách tuyến Lý Sơn- Sa Kỳ tạm dừng, các gia đình có người thân bị bệnh nặng phải thuê tàu cao tốc vượt biển. Chi phí mỗi chuyến tàu lên đến 17-20 triệu đồng.

Gia đình phải thuê tàu cao tốc với giá 20 triệu đồng để đưa em Nguyễn Thị Giỏi chuyển viện. (Ảnh: R.T)
Gia đình phải thuê tàu cao tốc với giá 20 triệu đồng để đưa em Nguyễn Thị Giỏi chuyển viện. (Ảnh: R.T)

Không chỉ riêng mùa biển động, vào ban đêm, khi các tàu cao tốc hết giờ hoạt động, gia đình có người chuyển viện cũng phải “cắn răng” chi hàng chục triệu đồng để thuê tàu vào đất liền cấp cứu. Có trường hợp phải chạy vạy vay mượn khắp nơi mới đủ tiền.

Như trường hợp em Nguyễn Thị Giỏi bị ngất xỉu vào khuya 29/6, được người nhà chuyển đến Trung tâm y tế huyện Lý Sơn cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán em bị sốt xuất huyết nặng, phải chuyển viện lên tuyến trên.

Gia đình đành thuê tàu cao tốc đưa Giỏi vào đất liền cấp cứu với giá lúc đầu là 28 triệu đồng. Sau khi thương lượng với chủ tàu, số tiền được hạ xuống còn 20 triệu đồng.

Dự án y tế được “ưu ái” vẫn chậm

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của hơn 22.000 dân trên đảo, dự án Trung tâm y tế Quân - Dân y kết hợp Lý Sơn được triển khai xây dựng vào năm 2021 với tổng mức đầu tư 287 tỷ đồng, quy mô 100 giường bệnh, thời gian thực hiện dự án năm 2021 - 2023.

Dự án Trung tâm y tế Quân - Dân y kết hợp Lý Sơn có tổng mức đầu tư 287 tỷ đồng.
Dự án Trung tâm y tế Quân - Dân y kết hợp Lý Sơn có tổng mức đầu tư 287 tỷ đồng.

Dự án gồm các hạng mục chính: Khối nhà 2 tầng, khối nhà 3 tầng, khối nhà 6 tầng; bể nước ngầm 500m3, nhà đại thể, nhà bảo vệ, nhà khí y tế, bể xử lý nước, trạm biến áp, tường rào, cổng ngõ, sân vườn, đường nội bộ, cây xanh, thiết bị xây dựng, thiết bị y tế…

Vào tháng 8/2022, trong chuyến kiểm tra ở Lý Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nhấn mạnh, Trung tâm Y tế Quân - Dân y kết hợp Lý Sơn là dự án cực kỳ quan trọng để phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn huyện.

Ông Minh giao UBND huyện Lý Sơn khẩn trương phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đồng thời, yêu cầu đơn vị thi công lập kế hoạch tiến độ cụ thể cho từng mốc thời gian, đảm bảo hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 30/4/2023.

Nhiều hạng mục còn dang dở.
Nhiều hạng mục còn dang dở.

Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 5/2023, giá trị thực hiện dự án chỉ đạt 52,1%, một số hạng mục mới xong phần thô và nhiều hạng mục còn dở dang. Đặc biệt, chủ đầu tư dự án là UBND huyện Lý Sơn vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. 

Cụ thể, dự án còn vướng 1 thửa đất sản xuất nông nghiệp có diện tích 374m2, chủ sử dụng đất chưa thống nhất nhận tiền bồi thường vì cho rằng giá bồi thường thấp và khởi kiện quyết định hành chính của huyện ra tòa.

Tòa án cấp cao Đà Nẵng đã xét xử phúc thẩm như kết quả xét xử sơ thẩm nhưng chủ sử dụng đất vẫn chưa thống nhất với bản án và đang tiếp tục kiện lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Về nhà ở, vật kiến trúc hiện còn vướng 5 trường hợp của các hộ dân có đất và nhà trên đất chưa thống nhất với phương án bồi thường với tổng diện tích đất cần thu hồi lên đến 802m2.

Theo đại diện đơn vị thi công, nếu huyện không sớm bàn giao hơn 1.100m2 còn lại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công dự án, đặc biệt là hạng mục liên quan đến phòng cháy chữa cháy, cần nhiều thời gian để cơ quan chức năng thẩm định.

Qua kiểm tra thực tế dự án vào giữa tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chỉ rõ những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.

Ngoài lý do về bất lợi của thời tiết ảnh hưởng đến tiến độ thi công và vận chuyển, tập kết vật liệu khó khăn, ông Minh còn chỉ ra những nguyên nhân chủ quan như: Chính quyền huyện Lý Sơn thiếu kinh nghiệm nên triển khai các công việc chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt trong bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như chỉ đạo, đốc thúc các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện dự án.

“Dự án Trung tâm y tế Quân - Dân y kết hợp Lý Sơn được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất quan tâm theo dõi, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, nhưng Lý Sơn triển khai chậm tiến độ là chưa được. Chậm nhất trước ngày 31/12 phải hoàn thành, đưa vào sử dụng, không thể kéo dài thêm được nữa”- ông Minh quyết liệt.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đây là dự án “sát sườn", hoàn thành sớm ngày nào người dân huyện đảo hưởng lợi ngày đó. Nếu chậm trễ sẽ làm mất niềm tin của người dân với chính quyền.