Không ai bị bỏ lại phía sau

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây mấy hôm, trên FB, một đồng nghiệp đàn anh khoe tin vui: Vừa được tiêm phòng Covid-19, vaccine AstraZeneca.

Vui là vì cũng đồng nghiệp xấp xỉ tuổi xưa nay hiếm ấy, dạo cuối tháng 5 đi tiêm nhưng không được, vì thuộc một trong 9 nhóm đối tượng cần trì hoãn tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca theo Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 18/3 của Bộ Y tế. 9 đối tượng bao gồm: Người đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; người trên 65 tuổi...
Điều đáng nói là trước đó, theo hướng dẫn tại Quyết định 1210/2021 được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành ngày 9/2/2021, người trên 65 tuổi lại thuộc 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm phòng Covid-19 ngay khi vaccine về Việt Nam.

Vui là ở chỗ, với quy định mới theo Quyết định 3355/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021 - 2022 Bộ Y tế vừa ban hành, đồng nghiệp cao tuổi của tôi cùng những người trên 65 lại nằm trong số 16 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.

Chắc chắn cơ quan chức năng, mà ở đây là ngành Y tế có lý do xác đáng để thực hiện cái việc “bỏ ra cho vào” ấy với đối tượng người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, giá như động thái đó được kèm theo một sự giải thích, có cơ sở khoa học hay thực tiễn thì tốt hơn. Đa phần các quốc gia trên thế giới đều ưu tiên tiêm vaccine cho người cao tuổi, người có bệnh nền.

Ở một khía cạnh khác, cần có giải thích rõ ràng đối với người trên 65 tuổi, nếu không sẽ nảy sinh tâm lý hoang mang trong một bộ phận người dân về độ an toàn của việc tiêm vaccine. Đó đây đã có dư luận cho rằng vaccine AstraZeneca không an toàn với người trên 65 tuổi, không tốt bằng các loại vaccine khác. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tiêm vaccine cho toàn bộ người dân trưởng thành để đạt miễn dịch cộng đồng, như từng xảy ra ở một số quốc gia trên thế giới.

Ngày 10/7 vừa qua, Việt Nam chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử - tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18. Chiến dịch triển khai quy mô từ nay đến tháng 4/2022, đảm bảo tiêm chủng 150 triệu liều vaccine nhằm làm tăng độ bao phủ vaccine với người dân đạt miễn dịch cộng đồng. Đây có thể coi là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế và các ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để mục tiêu của chiến dịch thành công, rất cần sự đồng thuận của mọi người dân. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 còn dài, và để người dân đồng thuận, cần hết sức tránh để xảy ra những sự việc dù nhỏ, nhưng dễ gây tác động bất lợi.

Cũng cần nhắc lại là số người trên 65 tuổi ở nước ta hiện quãng 7,4 triệu người, chiếm 7% dân số. Uy tín, kinh nghiệm và cả sức khỏe… của bộ phận dân số này cũng là nguồn lực đáng kể với việc thực hiện phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, không ai đứng ngoài cuộc trong việc tiếp cận vaccine mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định tại lễ phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam hôm 10/7 vừa qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần