Không bất ngờ khi FED tăng lãi suất

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mức tăng lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nằm trong dự tính của giới chuyên gia kinh tế nên tác động lên thị trường ngoại tệ của Việt Nam trong ngắn hạn là không lớn.

Tuy nhiên về trung và dài hạn cần theo dõi thêm các diễn biến kinh tế.
Vẫn kiểm soát linh hoạt tỷ giá
Ngay sau công bố tăng lãi suất của FED, giá trị đồng USD tăng cao hơn so với một số đồng tiền mạnh khác. Với thị trường trong nước sáng 15/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức: 22.135 đồng, tăng 11 đồng so với phiên liền trước. Các ngân hàng điều chỉnh tăng từ 30 - 70 đồng/USD, mua vào niêm yết ở mức từ 22.680 đồng/USD - 22.770 đồng/USD, tùy từng ngân hàng, song đây là mức dao động đã duy trì trong 2 tuần qua, thấp hơn mức đỉnh 22.780 đồng hôm 6/12. Trên thị trường tự do, giá USD mua vào trong khoảng 23.300 - 23.320 đồng/USD và bán ra ở mức 23.350 đồng/USD, tăng 70 - 90 đồng.
 Ngay sau công bố tăng lãi suất của FED, giá trị đồng USD cũng tăng cao so với VND. Ảnh: Phạm Hùng
TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định, trong một tháng qua tỷ giá trong nước tăng gần 2%. Động thái tăng lãi suất của FED đã không còn là điều bất ngờ, biên độ tăng lãi suất lần này chỉ ở mức thấp tương tự như cuối năm trước (0,25%). Nên tỷ giá trong nước nếu biến động sẽ chỉ trong vài ngày, sau đó sẽ duy trì ổn định. So với giá trần quy định 22.799 đồng/USD của NHNN, tỷ giá các ngân hàng đang niêm yết vẫn thấp hơn từ 50 - 100 đồng.
Thời gian qua, NHNN vẫn kiểm soát linh hoạt tỷ giá. Thực tế thị trường cũng cho thấy, cung cầu ngoại tệ vẫn ổn định trong những tháng cuối năm, dù cầu thanh toán có tăng. Nếu NHNN không điều chỉnh hoặc tỷ giá chỉ biến động trong khung mà NHNN cho phép thì tác động của nó trên thị trường thực tế sẽ không lớn. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng cao lên mức cao nhất từ trước tới nay. Tỷ giá cũng được hỗ trợ bởi một lượng cung ngoại tệ đáng kể từ các nguồn vào cuối năm. Đây là nguồn lực để NHNN ổn định tỷ giá trong quý 4, ngay cả khi nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao.
Theo Giám đốc của một DN sản xuất bao bì tại Hà Nội, trong tuần trước ông có mua USD tại Vietcombank để nhập khẩu nguyên liệu, và vẫn được ngân hàng này đáp ứng bình thường, với giá ngang bằng giá niêm yết.
Biến động tỷ giá cần đặt trong dài hạn
Theo các chuyên gia kinh tế, việc FED tăng lãi suất lần này có thể không ảnh hưởng trong ngắn hạn do đã lường trước nhưng về trung và dài hạn cần phải theo dõi để ứng phó. Các quan chức FED dự báo sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017 sắp tới, quyết định này khiến đồng USD trở nên mạnh hơn, kéo theo lo ngại lãi suất ở các thị trường khác sẽ tăng lên trong thời gian tới. Do vậy, NHNN phải tiếp tục chủ động, linh hoạt trong hoạt động điều hành tỷ giá và lãi suất.
Trước đó, trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng vừa được phát hành, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đã lưu ý một số yếu tố không thuận lợi như trong công tác điều hành tỷ giá thời gian tới, gồm 3 yếu tố: Động thái tăng lãi suất của FED; Một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ (CNY); Và lạm phát có chiều hướng tăng. “Việc FED tuyên bố bắt đầu một thời kỳ siết chặt “dần dần” chính sách tiền tệ không phải là một tin tức tốt đối với nền kinh tế thế giới. Nâng lãi suất chắc chắn làm tăng giá trị của đồng USD và đây là điều đại kỵ với các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc. Tăng lãi suất đồng USD cũng đồng nghĩa với việc dòng vốn đầu tư sẽ bị hút ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển, và điều này có thể khiến tăng trưởng sụt giảm. Về lý thuyết nó sẽ bù lại bằng việc giúp hàng hóa xuất khẩu từ các nước trên thế giới vào thị trường Mỹ tăng tính cạnh tranh, nhưng khi ông Trump đang lăm le thực hiện một chính sách hạn chế thương mại và tăng mức đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu thì mặt tích cực này có thể sẽ giảm đi đáng kể” - TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần phải theo dõi chặt chẽ, phản ứng trước diễn biến của đồng USD, để tăng tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu, một loạt các quốc gia đã tiến hành phá giá đồng nội tệ. Trong khi đó, nếu không có sự thay đổi lớn từ phía NHNN, tức là giữ nguyên tỷ giá, giữ vững ổn định trong nước thì hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp bất lợi. 
Sau công bố tăng lãi suất USD của FED, thị trường chứng khoán Mỹ, giá dầu và vàng thế giới đều giảm mạnh. Giá vàng trên thị trường thế giới bán ra ở mức 1.144 USD/oz, giảm tới 19 USD mỗi ounce. Giá vàng trong nước theo đó cũng giảm 250.000 đồng/lượng về gần 36 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, do giảm chậm hơn nên tiếp tục nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới tới 5 triệu đồng/lượng (quy đổi theo tỷ giá liên ngân hàng).

Liên quan đến thông tin bịa đặt đổi tiền gây hoang mang dư luận trong thời gian vừa qua, ngày 15/12, Bộ Công an cho biết, đã phát hiện và làm rõ 2 đối tượng. Theo đó, 1 đối tượng ở Đồng Nai và 1 đối tượng ở Lâm Đồng. Bước đầu, các đối tượng đã thừa nhận hành vi của mình.

Những biến động trên các thị trường toàn cầu cho thấy, quyết định của FED vẫn đang là một trong những chính sách có tác động sâu rộng. Động thái mới nhất của FED cũng phát đi tín hiệu cho những lần tăng lãi suất tiếp theo vào năm sau với nhiều biến động hơn sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2017. Trên thực tế, các quan chức FED cho biết họ dự kiến sẽ tiến hành 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017, thay vì chỉ 2 lần như dự đoán trước đây. (Hà Phương)