Không bỏ lỡ cơ hội từ các FTA

Minh Khôi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các Hiệp định tự do thương mại, đặc biệt là EVFTA đang mở ra nhiều cơ hội lớn đối với các DN, cơ sở sản xuất làng nghề Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng – khi châu Âu luôn là thị trường xuất khẩu lớn đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, để không “lỡ chuyến tàu” này, các DN phải nâng tầm để chủ động đón vận hội cũng như hóa giải những thách thức; đồng thời rất cần sự hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước.

May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Phạm Hùng
Cơ hội đi kèm thách thức
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc. Trong số đó có 308 làng nghề đã được UBND TP Hà Nội công nhận. Ước tính, khu vực làng nghề của Hà Nội tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động; giá trị sản xuất đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm. Trong đó, nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ (TCMN) của Hà Nội đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế như: Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre giang đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), sơn mài Duyên Thái (huyện Thường Tín)...
Ở những làng nghề có giá trị xuất khẩu cao, thu nhập người dân cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của các làng nghề. Do vậy, đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng TCMN làng nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác khuyến công của Hà Nội, nhất là trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) được cho là một cú hích lớn cho khu vực làng nghề khi mặt hàng TCMN đều nằm trong diện được miễn thuế ngay. Đơn cử như tại Bát Tràng, châu Âu được là thị trường xuất khẩu lớn, chiếm tới trên dưới 50% thị phần xuất khẩu tại nhiều DN lớn. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường này, những năm gần đây, các DN sản xuất gốm sứ ở đây không ngừng đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nhân lực, xúc tiến thương mại… để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các yêu cầu từ phía đối tác.
Khi EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020, các DN xuất khẩu ở Bát Tràng rất kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sang thị trường này sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Theo các DN, đến nay những tác động của EVFTA chưa rõ nét vì mọi thứ còn rất mới và lại đúng vào giai đoạn dịch bệnh, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại bị trì hoãn. Do đó, có lẽ trong vài tháng tới sẽ có nhiều chuyển biến hơn. Ông Nguyễn Sơn Tùng – Giám đốc Công ty TNHH LC Home cho biết, hiện nay thuế xuất khẩu mặt hàng TCMN từ Việt Nam sang châu Âu vẫn đang được hưởng thuế suất 0%, tuy nhiên các DN châu Âu khi nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi hơn so với trước đó và so với các nước khác. Do vậy, sẽ có nhiều DN châu Âu tìm đến Việt Nam hơn.
“Sẽ là lợi thế chung cho các DN Việt Nam, còn với từng DN thì sẽ phụ thuộc vào năng lực và khả năng tiếp cận của họ. Những DN có năng lực sản xuất tốt, dây chuyền sản xuất hiện đại, quy trình sản xuất chuẩn… sẽ có cơ hội bùng nổ. Ngược lại, những DN nhỏ lẻ, công nghệ và quy trình sản xuất chưa chuẩn, nhà xưởng, lao động không đáp ứng sẽ gặp bất lợi. Vì những DN này sẽ không đáp ứng được những đơn hàng lớn, những yêu cầu của đối tác, mà đã không đáp ứng thì họ sẽ tìm đến những DN có khả năng đáp ứng. Khi họ làm việc với một DN đáp ứng yêu cầu của họ rồi thì họ sẽ ít thay đổi. Do đó DN nhỏ sẽ gặp khó khăn” – ông Tùng phân tích.

Nâng tầm để đón vận hội mới

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh, thực tế cho thấy, muốn vào được thị trường châu Âu, các DN phải đáp ứng được những “hàng rào kỹ thuật” rất khắt khe. Ví như, nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, sản phẩm phải có tính văn hóa, không sử dụng lao động trẻ em trong sản xuất, sản phẩm có môi trường lao động tốt, bảo đảm thu nhập và cuộc sống của người lao động (từ bữa ăn đến khu vệ sinh, tiêu chuẩn tiếng ồn, an toàn lao động...).
Trong khi đó, đa phần các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) Hà Nội còn điểm yếu đó là sự liên kết lỏng lẻo, mô hình kinh doanh của các hộ gia đình mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún; cách thức quản lý, công nghệ sản xuất hàng hóa tại các làng nghề Hà Nội còn lạc hậu… Do vậy, nâng tầm DN, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN làng nghề là một yêu cầu bức thiết. Bởi khi các hiệp định thương mại tự do như EVFTA có hiệu lực, không chỉ có tác động đi, mà còn có tác động lại, nhiều đối tác nước ngoài sẽ vào Việt Nam, họ sẽ mang theo công nghệ, ý tưởng cho các DN, cơ sở sản xuất trong nước nếu chúng ta có khả năng đón nhận.
Những năm gần đây, Hà Nội đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, cơ sở CNNT. Trong đó, nhiều hoạt động được chú trọng như hỗ trợ đào tạo nghề; nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị DN; thiết kế mẫu mã sản phẩm; đổi mới công nghệ; xúc tiến thương mại…
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (Sở Công Thương), trong những năm tới, những hoạt động này sẽ tiếp tục được chú trọng, góp phần giúp các sản phẩm làng nghề cạnh tranh tốt hơn trong bối cảnh hàng rào thuế quan đang dần được gỡ bỏ. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, TP đặt mục tiêu trên 10.000 lượt DN, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn TP được hỗ trợ từ Chương trình khuyến công. Các nội dung hỗ trợ bao gồm: Truyền nghề, nhân cấy nghề; Nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo, cán bộ quản lý các DN, cơ sở CNNT; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; Phát triển sản phẩm CNNT; Cung cấp thông tin, hỗ trợ phát triển mẫu mã sản phẩm; Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn TP…
“Qua đó, TP đặt mục tiêu tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động nông thôn; Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng TCMN tăng bình quân 5-8%/năm, năm 2025 đạt kim ngạch trên 550 triệu USD; Tạo ra khoảng 2.000 mẫu sản phẩm TCMN có thiết kế mới phục vụ xuất khẩu…” – ông Đào Hồng Thái – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết.