Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không bỏ quên vấn đề xã hội

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo tăng trưởng nhưng không bỏ quên những vấn đề văn hóa, xã hội bức bối, phải dành những đánh giá sắc đáng cho vấn đề này. Đó là vấn đề được nhiều ĐN đề cập trên nghị trường Quốc hội hai ngày qua. Bởi lẽ, như chính các ĐB phân tích, chúng ta vui mừng trước các kết quả kinh tế, nhưng kinh tế không phải yếu tố duy nhất cải thiện chất lượng đời sống của người dân, thậm chí nếu tăng trưởng nóng về kinh tế mà không làm tốt an sinh xã hội thì đến lúc nào đó sẽ có hậu quả khôn lường về mặt xã hội.

 Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV
Những lo lắng ấy của ĐB rất đáng suy ngẫm. Bởi thực tiễn đang đặt ra rất nhiều vấn đề bức thiết cần nhìn nhận thẳng thắn. Từ những hành vi thiếu chuẩn mực cho thấy sự xuống cấp về đạo đức, văn hóa, thậm chí diễn ra ngay trong môi trường giáo dục, từ việc cô giáo chấm bài xong vứt xuống đất để các em học sinh tiểu học tự nhặt về; việc giáo viên đánh học sinh thường xuyên đến mức bố mẹ phải lén đặt camera giám sát… Rồi vấn nạn dạy thêm, học thêm, mua điểm, gian lận thi cử đang rất nhức nhối cũng được đưa ra phân tích trước nghị trường. Rộng hơn nữa là tình trạng môi trường sống càng bất an, từ vấn đề thực phẩm không an toàn tràn ngập, ô nhiễm môi trường, không khí, nước sinh hoạt; hành vi “tham nhũng vặt” làm xấu hình ảnh bộ máy công quyền trong con mắt người dân. Rồi một số vụ giết người có quan hệ giữa thủ phạm và nạn nhân là anh em, vợ chồng, mẹ con đã làm chấn động xã hội.
Lấy ví dụ về vụ lừa đảo lớn của công ty địa ốc Alibaba, ĐB Dương Trung Quốc đã thẳng thắn, giữa lúc Quốc hội đang bàn đến việc thí điểm để tiến tới giảm bớt bộ máy dân cử vốn có chức năng giám sát cơ quan hành pháp thì sự vụ như công ty địa ốc Alibaba lừa dân bán đất dự án "ma" diễn ra nhiều năm, số nạn nhân lên đến hàng nghìn người, số thiệt hại rất lớn và bộ máy chính quyền cơ sở “ngơ ngác” như chưa hề có việc gì nghiêm trọng cho đến khi dư luận lên tiếng. Các ĐB cũng chỉ ra có biết bao nhiêu vụ lừa đảo công khai diễn ra trên mạng vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của bộ máy chính quyền và đặt câu hỏi về việc có hay không sự buông lỏng quản lý hoặc có sự tiếp tay của cán bộ công quyền để các dự án ma, các công trình xây dựng đồ sộ, trái pháp luật ngang nhiên tồn tại trong thời gian dài. Hay trước những vụ việc “nóng” dư luận xã hội thời gian vừa qua, dù những “điểm tối” này không che lấp nhưng vẫn làm xấu đi ít nhiều bức tranh sáng sủa của thành tựu phát triển thời gian qua.
Bởi thế, việc dành những đánh giá thỏa đáng cho vấn đề này ngay trong báo cáo tổng thể về kinh tế - xã hội là yêu cầu được đưa ra. Để từ đó, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đời sống của người dân, bao gồm cả đời sống vật chất và tinh thần. Một số hiện tượng cũng cần được nghiên cứu, phân tích, đặc biệt từ góc nhìn văn hóa, đạo đức xã hội để có giải pháp kịp thời. “Chúng ta nói nhiều đến việc xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử văn minh công cộng, lối sống thực dụng cá nhân vị kỷ, tệ nạn, tội phạm xã hội... Rõ ràng tất cả những vấn đề đó đều là vấn đề của văn hóa, liên quan đến văn hóa và có nguyên nhân từ văn hóa”- như người đứng đầu ngành VHTT&DL đã nhìn nhận. Bởi thế, từ nghị trưởng lan tỏa ra đời sống, các cử tri hy vọng rằng, với sự thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ thực tế và sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề văn hóa - xã hội, những bức thiết từ đời sống sẽ được giải quyết.