Trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 4 Ủy viên T. Ư khóa XII, 14 nguyên Ủy viên T.Ư, 1 nguyên Phó Thủ tướng, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh ủy, 5 nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh quân đội, công an. Chỉ vì thói “coi trời bằng vung”, họ đã ngã ngựa ngay trên ngôi cao ghế vững mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng giao phó cho mình.
Có thể nói chưa bao giờ Đảng ta kỷ luật nhiều cán bộ như nhiệm kỳ này. Cũng chưa bao giờ, chuyện kỷ luật cán bộ được toàn Đảng, toàn dân trên dưới một lòng xem như là một công việc cần phải làm vì công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Bởi, nếu xem cán bộ là cái gốc của phong trào, việc kỷ luật những cán bộ thoái hóa biến chất chính là loại bỏ những ung nhọt vì một cơ thể khỏe mạnh. Vì vậy mà trong lời phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư lần thứ 11 mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Thật đau xót, nhưng có cách nào khác! Đây là bài học sâu sắc, đắt giá cho tất cả chúng ta".
Không đau xót sao được khi đó là những cán bộ cao cấp thuộc diện T.Ư quản lý. Có người là Ủy viên Bộ Chính trị, có người đang hoặc đã từng là Ủy viên T.Ư, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy và hàng loạt tướng lĩnh quân đội, công an… Để họ ngồi được vào những vị trí này, Đảng, Nhà nước đã tốn không ít công sức, tiền bạc để đào tạo, thử thách. Nhân dân cũng tốn không ít niềm tin gửi gắm vào họ.
Vậy thì điều gì khiến họ ngã ngựa ngay trên chiếc ghế quyền lực mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng giao phó? Thật khó tin rằng họ vi phạm vì thiếu kiến thức, mất cảnh giác. Cũng không ai tin là những cán bộ trong diện này lại vì thiếu hiểu biết pháp luật mà làm sai, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Những sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia dẫn đến nhiều cán bộ lãnh đạo phải vào tù vì gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho Nhà nước; rồi vụ AVG với những cuộc ngả giá bán mua cổ phần cao ngất ngưỡng nhờ sự tác động tích cực của ông cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT và sự sốt sắng quá mức của ông Thứ trưởng (vì lời hứa cho làm Bộ trưởng sau này), gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Ở đời, mua đắt gấp rưỡi, gấp đôi đã là ghê gớm lắm, vậy mà họ đã dùng tiền Nhà nước mua hàng kém chất lượng với giá gấp 8 lần. Thử hỏi, có ai dám tin đó là việc vô tình? Hai ông Bộ trưởng, kẻ trước người sau bị khởi tố, cùng nắm tay nhau vào trại giam, âu cũng là lẽ đương nhiên.
Có ai dám tin những ông Thiếu tướng, Trung tướng ngồi ghế Tổng Cục trưởng, Thứ trưởng của Bộ Công an mà lại tiếp tay cho bọn cờ gian bạc lận; liệu có ai tin hai ông Chủ tịch TP Đà Nẵng mà lại ngây thơ bán rẻ hàng chục bất động sản cho Vũ Nhôm, gây thiệt hại cho Nhà nước đến 20.000 tỷ đồng?
Chia chác đất quốc phòng tùy tiện, bất chấp các quy định về quản lý đất đai, liệu có ai tin ông Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vô tư? Nguyên nhân nào khiến một Phó Thủ tướng Chính phủ lại có những chỉ đạo sai lầm trong việc cổ phần hóa một số DN nhà nước gây thiệt hại không nhỏ cho tài sản quốc gia?
Chỉ có thể lý giải cho những bàn tay nhúng chàm, những cú ngã ngựa của một số cán bộ cấp cao thời gian qua là do họ đã vì tham cái “bả vật chất” mà bất chấp nguyên tắc, kỷ luật Đảng, quên đi mục tiêu lý tưởng của đời mình khi thề trước Đảng, trước dân.
Họ đã coi thường pháp luật, dùng quyền lực để thâu tóm lợi lộc cho mình và phe nhóm; chỉ lo “vinh thân phì gia”, chỉ muốn “làm ông quan cách mạng” mà quên đi nghĩa vụ, trách nhiệm công bộc như lời dạy của Bác Hồ “cán bộ là đày tớ trung thành của Nhân dân”!
Những sai phạm nhỏ không được phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ đầu, trái lại còn được bao che, dung túng, đánh bóng hình ảnh, tung hô thành tích để lòe dư luận, che mắt tổ chức, luồn sâu leo cao trở thành những Thiếu tướng, Trung tướng, Ủy viên T.Ư, Ủy viên Bộ Chính trị, thành Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ này Bộ nọ, xênh xang áo mũ, để rồi sai phạm tiếp nối sai phạm với mức độ trầm trọng hơn.
Đảng ta luôn cần một đội ngũ cán bộ tài năng để lãnh đạo đất nước vững bước trên con đường phát triển. Nhưng đó phải là những cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, chứ không phải nói nhiều làm ít, nói một đàng làm một nẻo, “coi trời bằng vung”.