Không chấp nhận sai lầm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khai thác không gian ngầm là việc đang được tính đến khi không gian trên mặt đất không còn đáp ứng được mọi nhu cầu. Tuy nhiên, loại hình công trình này luôn khiến người ta dè dặt bởi nhiều lẽ, đặc biệt là quá tốn kém và kỹ thuật phức tạp.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về những vấn đề đang đặt ra đối với việc khai thác không gian ngầm trong các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội.
 

Số lượng công trình ngầm ở các đô thị lớn tại Việt Nam hiện còn quá ít. Phải chăng chúng ta vẫn còn dè dặt trong việc khai thác không gian ngầm vì ngại kinh phí lớn?

- Thực tế, công trình ngầm cũng không còn xa lạ với các TP lớn của Việt Nam. TP Hồ Chí Minh đã có bãi đỗ xe ngầm. Ở Hà Nội đã có những bước chuẩn bị, Đà Nẵng cũng vậy. Chúng ta đã sử dụng không gian ngầm từ rất lâu nhưng không để ý mà thôi. Ở hai vùng đồng bằng đất yếu thì hầu như cứ trên cao bao nhiêu thì dưới móng cũng sâu ngần ấy, đấy chính là không gian ngầm. Việc hút nước ngầm dưới lòng đất cũng là khai thác không gian ngầm. Việc đóng cọc móng của các công trình cao tầng ở đô thị nếu không có quy hoạch thực hiện thì sau này sẽ có những tuyến giao thông ngầm bị vướng, khó thực hiện. Vướng trên mặt đất đi vòng đã khó, vướng dưới lòng đất sẽ càng nan giải hơn, bởi chi phí thực hiện quá cao. Tính sơ sơ, 1m chiều dài đường cho tàu điện ngầm "ngốn" 2 tỷ đồng. Đã đến lúc việc đóng cọc cho nhà cao tầng phải nghĩ đến câu chuyện tương lai cho hệ thống công trình ngầm. Một TP có tới hàng trăm công trình cao tầng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là phải tính, phải coi trọng việc quy hoạch công trình ngầm.

Vậy theo ông, việc phát triển công trình ngầm có thực sự cần thiết khi các đô thị lớn đều có xu hướng mở rộng diện tích?

- Ngân hàng Thế giới đã tài trợ một đề tài nghiên cứu đánh giá đô thị hóa ở Việt Nam. Theo đó, họ nhận thấy xu hướng phát triển đô thị của Việt Nam là trải rộng. Ở Hà Nội, mở rộng thì cứ mở rộng nhưng ngay trong khu vực cũ cũng đã phát triển hết đâu. Lý do khiến Hà Nội phát triển theo xu hướng này vì việc đầu tư hạ tầng ở bên ngoài bao giờ cũng dễ, có thể phát triển hàng trăm héc - ta để xây dựng hạ tầng và công trình. Nhưng ở bên trong, khu vực nội đô lại quá khó trong vấn đề quy hoạch, thu hồi đất. Trong TP, có những quận mật độ dân cư vẫn còn thấp như Long Biên, bình quân mới có khoảng 90 người/ha. Trong khi đó, loại đô thị đặc biệt như tại Hà Nội mật độ có thể ở mức 150 người/ha. Còn ở khu vực phố cổ, mật độ lại lên đến 800 người/ha.

Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra lời khuyên, đô thị ở Việt Nam nên chuyển sang xu hướng gọn, chặt lại, không nên trải rộng. Malaysia cũng đã đưa vào chiến lược phát triển đô thị mục tiêu tăng thêm độ nén. Ở châu Âu, đô thị đã phát triển đến mức "chín muồi" nên chỉ còn có thể phát triển theo chiều dọc, nâng cao mật độ để cải thiện đô thị hiện có. Trên thế giới còn một cách phát triển đô thị khác đó là vừa mở rộng, vừa theo chiều sâu. Theo tôi, Việt Nam nên phát triển theo hướng này.

Khi xây dựng các cao ốc, vấn đề đặt ra là sự quá tải về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Nếu phát triển ở phía trên mà hạ tầng không thể đáp ứng nổi thì phải tính đến chuyện làm ngầm để giải quyết nhu cầu như: tàu điện ngầm, các tuyến giao thông ngầm, các bãi đỗ xe… Rốt cuộc, vẫn phải tiến hành quy hoạch một cách bài bản cả trên mặt đất và phía dưới mặt đất. Lúc đó không gian ngầm mới phát huy được vai trò. Muốn phát triển ở trên mặt đất thì phải tính ngay đến việc đầu tư, sử dụng phần ngầm. Phải bắt đầu từ quy hoạch. Quy hoạch không gian ngầm sẽ xác định những vị trí dành cho công trình ngầm.

Chi phí quá lớn, trong bối cảnh việc thu hút đầu tư cho các công trình hạ tầng "nổi" đang rất khó khăn, liệu định hướng phát triển công trình ngầm có khả thi?

- Không chỉ có chi phí lớn, các công trình ngầm còn có một nguy cơ khác cần phải nhắc đến đó là đã xây rồi thì không thể phá được. Điều này đồng nghĩa không chấp nhận sự sai lầm trong đầu tư các công trình ngầm. Ở Nhật có những khu vực đã hình thành những khu phố ngầm với đường phố và công trình hai bên san sát. Đất đai ở Nhật quá hạn hẹp, việc lựa chọn làm ngầm là dễ hiểu nhưng ở Canada, đất đai không thiếu, họ vẫn xây dựng TP ngầm, TP dưới TP. Lý do là ở Canada rất lạnh, khi đưa các công trình xuống dưới lòng đất sẽ khắc phục được yếu tố thời tiết này.

Không chấp nhận sai lầm - Ảnh 1

Hầm đường bộ Kim Liên, Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Có thể nói, khai thác không gian ngầm rất đắt nhưng sẽ không đắt nếu biết cách khai thác. Tôi cho rằng, định hướng này là khả thi bởi, không phải chúng ta đầu tư tràn lan, chỗ nào cũng làm công trình ngầm. Nếu có quy hoạch tốt, những vị trí được chọn để đầu tư công trình ngầm sẽ nhân lên giá trị nhiều lần cho phần nổi trên mặt đất.

Một loạt đường ngầm dành cho người đi bộ trên tuyến Phạm Hùng đã được đầu tư nhưng rồi hầu hết bị bỏ không, rất lãng phí. Theo ông, lý do nào dẫn đến sự thất bại của các đường ngầm này?

- Như các nước đã làm, muốn thu hút người đi bộ đi qua các đường ngầm phải phát triển rộng ra, đưa cả cửa hàng, cửa hiệu xuống bên dưới, có quán cà phê, có nhà vệ sinh… Có cửa hàng thì sẽ có bảo vệ, vệ sinh, đèn sáng suốt đêm, ngày. Như vậy,  chức năng đi vượt đường cũng đảm bảo, chức năng kinh doanh cũng được khai thác. Đây là cách làm nhằm tạo ra sức sống cho các công trình ngầm. Nhìn chung, làm hệ thống ngầm phải có sự tổng hợp trong việc cung cấp các dịch vụ, đáp ứng được nhiều nhu cầu thiết thực của người dân.

Theo ông, tại Hà Nội những khu vực, vị trí nào phù hợp và cần thiết phải khai thác không gian ngầm?

- Với Hà Nội, có những vị trí rất cần và rất nên làm công trình ngầm. Trong đó có khu vực Văn Miếu. Đây là một sản phẩm du lịch rất có giá trị nhưng lúc nào cũng chật chội, ô tô đỗ tràn lan, vệ sinh không được đảm bảo… Nên khai thác không gian ngầm để làm đường, bãi đỗ xe, đưa cả cửa hàng bán đồ lưu niệm, cửa hàng giải khát, ăn uống xuống dưới mặt đất để trả lại toàn bộ khuôn viên cảnh quan xung quanh cho di tích.

Vị trí thứ hai cần khai thác không gian ngầm đó là khu phố cổ. Có thể tạo các tuyến giao thông ngầm, bãi đỗ xe ngầm, để đưa các phương tiện xuống dưới lòng đất. Đồng thời, khuyến khích người dân xây nhà sâu xuống dưới mặt đất để bảo tồn các công trình kiến trúc bên trên. Hệ thống hạ tầng cũng theo đó mà được ngầm hóa hoàn toàn. Đặt lên bàn cân giữa việc xây dựng hệ thống không gian ngầm và việc bảo tồn phố cổ, áp lực giãn dân, chưa chắc ngầm hóa đã "đắt".

Một vấn đề khiến người ta rất "ngại" công trình ngầm đó là sự ảnh hưởng đến các công trình trên mặt đất, nhất là khi nhiều khu vực ở Hà Nội có nền đất yếu. Vậy, công nghệ hiện nay có thể khiến người ta an tâm với công trình ngầm hay không?

- Đất ở Hà Nội có yếu cũng chưa thể bằng đất của khu vực xây dựng hệ thống tàu điện ngầm của Nga. Có thể có nguy cơ nếu không áp dụng công nghệ, vật liệu thích hợp. Ngược lại nếu áp dụng đúng thì không ngại.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần