Không chỉ là đồng quà tấm bánh

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, 1/10, là Ngày Quốc tế Người cao tuổi. Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, đối với cả nam và nữ.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số, dự báo đến năm 2030 là khoảng 17% và đến năm 2050 là 25% dân số. Chủ đề của Ngày Quốc tế Người cao tuổi năm 2022 là “Khả năng phục hồi và đóng góp của phụ nữ lớn tuổi”.

Chủ đề nói trên nhắc nhở về vai trò quan trọng của phụ nữ lớn tuổi trong việc vượt qua những thách thức toàn cầu và thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ cùng những đóng góp của họ cho sự phát triển của xã hội. Đó là trên bình diện toàn xã hội. Ở góc độ mỗi gia đình, vai trò của phụ nữ cao tuổi cũng có những dấu ấn không thể phủ nhận.

Với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, có một thực tế là trong mỗi gia đình, nhất là các gia đình nhiều thế hệ, vai trò của những người phụ nữ lớn tuổi, các bà nội, bà ngoại vô cùng quan trọng. Thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 vừa qua, khi học sinh các cấp phải học online tại nhà, điều này càng rõ nét.

Nhiều ông bố, bà mẹ trẻ cảm thấy vô cùng may mắn khi có sự trợ giúp của ông, bà đôi bên, đặc biệt là các bà nội, bà ngoại. Và không chỉ trong thời gian đại dịch. Có một hiện tượng khá phổ biến ở nông thôn hiện nay, đó là những người trẻ thường đi đến các đô thị, khu công nghiệp để làm việc.

Trong khi đó, điều kiện sinh hoạt, học tập cho trẻ ở những nơi này hầu hết không thuận lợi, thậm chí không có. Chính vì vậy, rất nhiều gia đình phải gửi con nhỏ ở quê cho ông bà chăm sóc, nuôi nấng. Trong những trường hợp như vậy, người cao tuổi như vừa là cha, mẹ, đôi khi như thày, cô giáo…

Ông cha ta thường có câu, “trẻ cậy cha, già cậy con”. Nhưng trong thực tế hiện nay, như trong một số trường hợp nêu trên, tình hình có vẻ như ngược lại. Trong tình hình kinh tế - xã hội hiện tại, việc người cao tuổi phải “cậy” vào con cháu về điều kiện kinh tế không nhiều.

Có chăng, điều họ cần ở con cháu là chỗ dựa tinh thần. Ai cũng biết, sau 60 tuổi, độ tuổi được coi là người cao tuổi, mỗi người đều có những thay đổi về tâm, sinh lý. Điều đó khiến họ không chỉ cần được chăm sóc về sức khỏe, mà còn cần được quan tâm chia sẻ về tình cảm, tinh thần.

Trong khi đó, con cái của họ lại đang trong giai đoạn có nhiều mối lo toan trong cuộc sống, phát triển sự nghiệp, dù ở bất cứ công việc hay giai tầng xã hội nào. Có một thực tế là trong số những mối quan tâm, thì mối quan tâm đến tâm tư, tình cảm của các bậc sinh thành đa phần không phải là xếp ở vị trí ưu tiên, nếu như không phải là ở sau hết. Và sự quan tâm, nếu có, thường là về vật chất, tiền bạc, quà cáp…

Trong khi đó, như đã nói ở trên, đa phần người cao tuổi hiện tại, nhất là những người nghỉ hưu, đều có thể bảo đảm cuộc sống ở mức tối thiểu, trong nhiều trường hợp còn có thể trợ giúp con cháu. Điều họ cần ở con, cháu là sự qua lại, thăm hỏi, chia sẻ suy nghĩ, tình cảm. Đáng tiếc là trong nhiều trường hợp, sự quan tâm của con cháu, những người trẻ với người cao tuổi chỉ được thực hiện khi cha mẹ, ông bà có vấn đề về sức khỏe, sự quan tâm nhiều khi đã quá muộn màng…

Nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi, một số trang mạng, DN có những gợi ý về những món quà con cháu nên tặng ông bà cha mẹ với một danh sách phong phú, với mọi mức giá trị, từ những thiết bị chăm sóc sức khỏe đến các loại thực phẩm bổ dưỡng. Đó là những món quà có ý nghĩa thiết thực. Nhưng không chỉ như vậy, cái mà người cao tuổi cần hơn là sự có mặt thường xuyên, chia sẻ vui buồn của con cháu.

Những điều đó, ai cũng có thể làm được, chỉ cần sự yêu thương chân thành, một tấm lòng hiếu thảo. Đó cũng chính là những điều giúp người cao tuổi có thể sống vui, sống khỏe, sống có ích!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần