Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không chỉ Vietcombank, các ngân hàng phải công khai, minh bạch

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiểm toán Nhà nước cho rằng khoản lãi dưới 1.000 đồng cho các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) không được hạch toán để trả đúng quy định trong 16 năm qua.

Vụ việc đã được phía Vietcombank trả lời song vẫn còn những băn khoăn, Vietcombank là ngân hàng lớn mà để xảy ra tình trạng như vậy thì với các ngân hàng khác sẽ ra sao nếu không giải quyết triệt để? Và tới đây việc kiểm tra cần được thường xuyên hơn.
Khoản lãi nhỏ nên không tính?

Kết quả nêu trên được Kiểm toán Nhà nước đưa ra khi kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin liên quan tới báo cáo tại chính năm 2015 tại Vietcombank. Tổng số tiền lãi không được hạch toán trong năm này cho hơn 6,69 triệu tài khoản (tính trung bình trong năm và chiếm hơn 70% số tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng) là gần 9,8 tỷ đồng. Với các năm từ 2001 (thời điểm bắt đầu áp dụng quy định về hạch toán thu, trả lãi) đến năm 2014, do khó khăn về dữ liệu nên Kiểm toán cho biết chưa thể tính toán cụ thể.

Tại báo cáo, Kiểm toán Nhà nước nhận định việc cài đặt, tính toán số lãi tiền gửi không kỳ hạn trong hệ thống của Vietcombank chưa phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước về phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi của các tổ chức tín dụng.
 Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet
Cụ thể, các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank được tự động trả lãi định kỳ ngày 25 hằng tháng (không phân biệt ngày nghỉ, lễ) khi có mức lãi tối thiểu là 1.000 đồng hoặc 0,1 đơn vị tiền tệ với ngoại tệ khác. Như vậy, từ năm 2001 đến nay (16 năm), các khoản lãi phát sinh hàng tháng của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 đồng hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ đối với các ngoại tệ khác đã không được hệ thống phần mềm tính và hạch toán đầy đủ để trả cho khách.

Trả lời về việc này, đại diện Vietcombank cho biết có tình trạng này là do việc cài đặt tham số mặc định trong phần mềm quản lý. Đây là phần mềm do ngân hàng mua từ nước ngoài để quản lý tài khoản không kỳ hạn, khi tài khoản có lãi tiền gửi cộng dồn trong một tháng nhỏ hơn 0,1 USD hoặc tương đương, hệ thống sẽ tự động làm tròn xuống. Ví dụ, lãi tiền gửi cộng dồn của một khách hàng là 0,0008 USD sẽ được tự động làm tròn xuống 0. Vị này cũng cho hay, không riêng Vietcombank mà nhiều ngân hàng trên thế giới cũng sử dụng phần mềm này và có cài đặt tham số như vậy. Lý do của việc "làm tròn xuống" với các khoản lãi nhỏ là với mỗi tài khoản phát sinh lãi, ngân hàng sẽ cần thêm một hoá đơn, chứng từ mà chi phí có khi còn nhiều hơn số dư trong tài khoản.

Tuy vậy, trước thực tế là tiền lãi của khách hàng không được tính đủ, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Vietcombank thực hiện hạch toán và chi trả gần 10 tỷ đồng lãi tiền gửi không kỳ hạn năm 2015, tính và hạch toán đầy đủ số lãi phát sinh năm 2016 theo đúng quy định. Lãnh đạo Vietcombank cũng khẳng định sẽ tính toán lại và trả lãi tiền gửi cho khách từ năm 2015. “Ngân hàng khẳng định đã thực hiện nâng cấp hệ thống và đã giải quyết được vấn đề liên quan đến tham số nêu trên đồng thời thực hiện đầy đủ các kiến nghị của kiểm toán nhà nước. Trong sự việc này, chúng tôi khẳng định không có động cơ vụ lợi và Kiểm toán nhà nước đã xác nhận nội dung này”, phía ngân hàng nhấn mạnh.

Trước thông tin “hệ thống của Vietcombank lạc hậu (mua từ năm 1998)”, Vietcombank cho rằng thực tế, hàng năm hệ thống công nghệ thông tin của họ luôn được nâng cấp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng và yêu cầu hoạt động kinh doanh cũng như quản trị nội bộ của ngân hàng.

“Chúng tôi đang tập trung đầu tư nâng cấp và triển khai nhiều dự án công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai theo chiến lược của ngân hàng cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng”, vị này nói thêm.

Tại phiên họp báo Chính phủ chiều 3/2, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết bà đã trao đổi nhanh với chủ tịch HĐQT Vietcombank. “Từ năm 2015, Vietcombank đã có kiến nghị với cơ quan kiểm toán về quy định hệ thống tự động làm tròn số”, bà Hồng nói. Không lâu sau chỉ đạo của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đã có giải trình như trên.

Không thể nhập nhằng
Tiền gửi không kỳ hạn là khoản tiền của khách hàng được gửi và rút nhiều lần, hưởng lãi suất không kỳ hạn theo số dư cuối ngày. Vào cuối tháng (hoặc một ngày trong tháng theo quy định của từng ngân hàng), khoản lãi này được cộng dồn và tự động trả vào tài khoản của khách hàng. Tài khoản thanh toán (hay còn gọi là tài khoản ATM) cũng được tính lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.
Theo một chuyên gia kinh tế, việc trả lãi hay không trả lãi cho khách hàng không liên quan nhiều đến hệ thống phần mềm hiện đại hay không hiện đại. Dù số tiền là nhỏ nhưng với đặc thù hoạt động ngân hàng thì ngân hàng đều phải có thông báo cho khách hàng. Ông ví dụ, như khi số dư tiền trên tài khoản ở mức tối thiếu nào đó ngân hàng không trả lãi thì đương nhiên sẽ không tính phí trên tài khoản đó. Ngược lại nếu đã tính phí duy trì trên tài khoản thì phải trả lãi dù là nhỏ. “Ở đây tôi không nói ngân hàng có ý vụ lợi nhưng dù bất cứ là thu phí hay không thu phí, trả lãi hay không trả lãi đều phải thông báo cho khách hàng biết”.

Theo vị này, trên thế giới ngay cả ở Mỹ thường thì họ quy định mức tiền tối thiểu duy trì trên tài khoản 500 USD trở lên khách hàng mới bị tính phí. Nhưng họ đều thông báo cho khách hàng và đương nhiên, tính lãi hay thế nào cũng phải thông báo cho khách”.

Trao đổi với PV KT&ĐT, khách hàng tên Long Nguyễn gửi tiền tại một ngân hàng cho biết, “lúc nào trong tài khoản thẻ của anh cũng có vài chục triệu để luân chuyển nhập hàng. Phí chủ động SMS thì tháng nào ngân hàng cũng thu 8800 đồng, nhưng lãi phát sinh thì lác đác 1 năm có 1 hoặc 2 tháng tin nhắn báo về”. “Ở đây dù là số tiền lãi của từng tài khoản rất nhỏ nhưng rõ ràng theo Kiểm toán Nhà nước cộng cả một năm 2015 khi ngân hàng thực hiện như vậy với hơn 6,69 triệu tài khoản số tiền đã lên tới gần 10 tỷ đồng là con số không nhỏ”, anh Long nhận xét.

“Ở đây Vietcombank chỉ thực hiện hạch toán và chi trả gần 10 tỷ đồng lãi tiền gửi không kỳ hạn năm 2015, tính và hạch toán đầy đủ số lãi phát sinh năm 2016 theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, còn các khoản từ trước năm 2015 trở về trước đến 2001 thì sao cũng phải có phản hồi rõ ràng”, người gửi tiền này đặt câu hỏi đồng thời cho rằng tới đây, NHNN, Kiểm toán Nhà nước nên thực hiện kiểm tra thêm nhiều ngân hàng khác không để tình trạng lặp lại.

Trong khi đó Kiểm toán Nhà nước cho biết với số liệu từ nhiều năm trước đó, không thể xác định số lãi phải trả do hệ thống không lưu trữ được trọn vẹn thông tin chi tiết. Mặt khác, nhiều tài khoản đã tất toán các năm trước, việc xác định đúng tên đối tượng khách hàng theo từng tài khoản để chi trả thực tế rất khó khăn.

Cũng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, với hiện trạng công nghệ từ năm 1998 và khung quản trị rủi ro hiện tại của nhà băng này, để khắc phục các hạn chế trên là rất khó khăn. Nguyên do là việc đánh giá rủi ro, thiết kế thay đổi, nâng cấp ứng dụng trên hệ thống phần mềm lõi cũ khó thích ứng, hạn chế về dung lượng.

Phần mềm lõi - Host được thiết kế xây dựng từ năm 1999, bao gồm các phân hệ về hạch toán kế toán trên hệ thống tài khoản số cái, quản lý hệ thống mã khách hàng, danh mục các sản phẩm, tài sản đảm bảo có tích hợp tự động hoặc bán tự động với các phần mềm quản lý thông tin khác.

Riêng phần mềm xếp hạng tín dụng Vietcombank tự phát triển đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, áp dụng từ năm 2010. Ngoài ra, trong số các phần mềm nghiệp vụ có một số do ngân hàng này tự phát triển, còn lại do đối tác nước ngoài cung cấp.

Kiểm toán Nhà nước cho biết đây là lần đầu tiên đơn vị này thực hiện kiểm toán về hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến lập báo cáo tài chính của ngân hàng. Vietcombank cũng là nhà băng đầu tiên được kiểm toán nội dung này. Tới đây, Kiểm toán Nhà nước sẽ triển khai ở các đơn vị khác.