Không chủ quan bệnh viêm tuyến nước bọt ở trẻ

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Viêm tuyến nước bọt không phải là bệnh thường gặp ở trẻ em, tỷ lệ tử vong thấp nhưng có thể kèm các biến chứng ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của trẻ. Chuyên gia y tế khuyến cáo, trẻ bị viêm tuyến nước bọt cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Yếu tố khiến trẻ dễ bị viêm tuyến nước bọt

Viêm tuyến nước bọt là tình trạng nhiễm khuẩn của tuyến nước bọt. Các tuyến nước bọt trong cơ thể bao gồm tuyến mang tai, dưới lưỡi và dưới hàm trong đó viêm tuyến nước bọt mang tai là hay gặp nhất đặc biệt là ở trẻ em.

Bác sĩ Hồ Anh Tuấn – Khoa Khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, viêm tuyến nước bọt không phải là bệnh thường gặp ở trẻ em, tỷ lệ tử vong thấp nhưng có thể kèm các biến chứng ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của trẻ. Vì vậy, trẻ bị viêm tuyến nước bọt cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Một số căn nguyên chính gây nên viêm tuyến nước bọt là do: Virus: Quai bị, CMV, HIV, cúm A, Adenovirus…

Vi khuẩn: Tụ cầu, Phế cầu, Liên cầu, E.coli, lao

Các bệnh tự miễn: Do cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại các cơ quan khác trong đó có tuyến nước bọt.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Do tắc nghẽn: Tắc nghẽn ống dẫn tuyến nước bọt thường là nguyên nhân hàng đầu gây viêm nhiễm trùng vi khuẩn sau này. Có thể tắc do sỏi, đờm hoặc hiếm hơn là do các khối u.

Viêm tuyến nước bọt cấp tính thường kéo dài trong 1-2 tuần. Còn viêm tuyến nước bọt mãn tính, đợt viêm kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Viêm tuyến nước bọt tái phát: Tái đi tái lại nhiều lần.

Theo bác sĩ, các yếu tố khiến trẻ dễ bị viêm tuyến nước bọt thường là yếu tố liên quan đến trẻ tuổi từ 12 tháng – 6 tuổi dễ nhiễm các virus nói chung, riêng quai bị hay gặp ở trẻ 5-9 tuổi. Trẻ chưa được tiêm phòng vaccine MMR. Viêm tuyến nước bọt tự miễn hay gặp ở trẻ gái tuổi dậy thì. Viêm tuyến nước bọt tái phát chủ yếu gặp ở trẻ trai 1-16 tuổi. Trẻ tiếp xúc gần với trẻ bị quai bị. Ngoài ra, còn có yếu tố vệ sinh răng miệng kém; trẻ bị mất nước; trẻ bị HIV/AIDS, hoặc có bệnh nền kèm theo

Bên cạnh yếu tố liên quan đến trẻ còn có yếu tố môi trường: Thay đổi thời tiết; ô nhiễm môi trường; điều kiện dinh dưỡng kém; nhà cửa chật chội, ẩm thấp; kinh tế – xã hội kém phát triển.

Bác sĩ Tuấn cho rằng, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp làm giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng do viêm tuyến nước bọt ở trẻ em. Các dấu hiệu giúp cha mẹ nhận biết trẻ bị viêm tuyến nước bọt bao gồm: Sốt; triệu chứng giống cảm cúm; giảm vị giác; khó há miệng, đau góc hàm, khô miệng, khó nuốt; sưng đỏ, đau góc hàm hoặc dưới hàm 1 hoặc 2 bên nếu căn nguyên là vi khuẩn, nếu là virus như quai bị thì chỉ sưng đau 1 bên sau tai sau đó có thể lan sang 2 bên.

Để chẩn đoán trẻ viêm tuyến nước bọt, các bác sĩ dựa vào biểu hiện lâm sàng như sốt, sưng đau tuyến nước bọt. Cận lâm sàng như siêu âm, công thức máu, amylase,…. Chẩn đoán phân biệt với quai bị dựa vào vị trí, tính chất sưng đau và xét nghiệm PCR nước tiểu tìm quai bị.

Cách chăm sóc trẻ bị viêm tuyến nước bọt

Bác sĩ Hồ Anh Tuấn cảnh báo, việc lựa chọn thuốc điều trị cho trẻ bị viêm tuyến nước bọt còn tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh và phải do bác sĩ quyết định. Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp trẻ bị viêm tuyến nước bọt do virus. Hơn nữa, việc lạm dụng kháng sinh có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc. Vì vậy, cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị cho con tại nhà và phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Một số cách chăm sóc tại nhà mà cha mẹ có thể áp dụng khi trẻ bị viêm tuyến nước bọt bao gồm: Hạ sốt giảm đau; chườm ấm tích cực (nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được). Nếu trẻ sốt ≥ 38,5°C hoặc đau nhiều, cho trẻ uống thuốc hạ sốt giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Cha mẹ cần vệ sinh mũi miệng; nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ. Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc, dọn vệ sinh và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.

Cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, lỏng, dễ tiêu, dễ nuốt. Nếu bị quai bị, cho trẻ nghỉ tại nhà 5-7 ngày, tránh vận động mạnh. Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn đã chuẩn bị.

“Không phải tất cả các trường hợp trẻ bị viêm tuyến nước bọt đều cần điều trị tại bệnh viện. Trẻ có thể điều trị tại nhà nếu viêm ở mức độ nhẹ; vì nhập viện không đúng chỉ định có thể làm trẻ bị nhiễm trùng bệnh viện. Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám khi trẻ có một trong các dấu hiệu: Sốt cao, khó thở hoặc khó nuốt, trẻ quấy khóc nhiều, bỏ bú, nôn mọi thứ ăn vào, co giật, li bì, khó đánh thức…” – bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Nhấn mạnh việc điều trị viêm tuyến nước bọt tại bệnh viện, chuyên gia cho hay, tại bệnh viện, trẻ sẽ được theo dõi toàn trạng, theo dõi các biến chứng ví dụ như viêm não màng não, viêm cơ tim…

Điều trị triệu chứng: Giảm sốt, giảm đau, chống viêm chống phù nề.

Điều trị nguyên nhân: Tùy căn nguyên, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc và phác đồ phù hợp.

Điều trị biến chứng: theo phác đồ của từng loại biến chứng.

Để phòng ngừa bệnh viêm tuyến nước bọt ở trẻ, các chuyên gia y tế khuyến cáo, hãy nuôi trẻ bằng sữa mẹ đầy đủ trong ít nhất 6 tháng đầu đời. Trẻ cần được tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng lịch. Đảm bảo nơi ở sạch sẽ vệ sinh tốt, không khói thuốc lá, đủ ánh sáng, thoáng khí. Dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ, cân đối. Cha mẹ nên trang bị kiến thức về cách nhận biết sớm viêm tuyến nước bọt để có hướng chăm sóc và xử trí kịp thời. Bất cứ khi nào trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ viêm tuyến nước bọt, bố mẹ hoặc người giám hộ có thể đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần