Không chủ quan, lơ là với dịch sốt xuất huyết

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên, thời điểm này, tại một số địa phương ghi nhận sự gia tăng cục bộ của dịch sốt xuất huyết. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với dịch sốt xuất huyết.

Hà Nội tăng cường biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 6 đến 12/6), trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận 18 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 2 ca so với tuần trước đó) tại 10 quận, huyện: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, TP Hà Nội có 93 ca mắc sốt xuất huyết (giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021).

Theo CDC Hà Nội, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết nói riêng và dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, TP tiếp tục tăng cường các đội đáp ứng nhanh phòng dịch; đồng thời, duy trì các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân tại các bệnh viện được phân cấp. Bên cạnh đó, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã điều tra xác minh, đáp ứng với diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Thông thường theo khuyến cáo, cứ 5 năm, sốt xuất huyết lại bùng lên thành dịch một lần. Dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây là vào năm 2017. Theo chu kỳ thì năm 2022, sốt xuất huyết có thể lại gây ra trận dịch lớn.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, tại miền Nam, số người bị mắc sốt xuất huyết ngày càng gia tăng, đặc biệt là đã ghi nhận những trường hợp xuất huyết nặng.

Còn tại miền Bắc, thời tiết năm nay thay đổi thất thường. Nếu như mọi năm, thời điểm tháng 5 thường nắng nóng thì năm nay vẫn có ít ngày lạnh. Vì vậy, có thể dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ bùng muộn hơn, vào khoảng tháng 7, tháng 8. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn lưu ý, không phải tất cả bệnh nhân sốt xuất huyết đều phải nhập viện, tuy nhiên, người dân tuyệt đối không được chủ quan.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn lưu ý, không phải tất cả bệnh nhân sốt xuất huyết đều phải nhập viện, tuy nhiên, người dân tuyệt đối không được chủ quan.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường lưu ý, không phải tất cả bệnh nhân sốt xuất huyết đều phải nhập viện. Nếu tiểu cầu của bệnh nhân ở trong giới hạn cho phép, không có dấu hiệu cô đặc máu và các chức năng gan thận bình thường, chúng tôi có thể cho bệnh nhân ở nhà theo dõi và hẹn khám định kỳ sau 2 ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đau đầu, không ăn được và nôn nhiều thì cần phải nhập viện lập tức.

Theo chuyên gia nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết trên nền hậu Covid-19 là rất lớn. Trẻ từng mắc Covid-19 trước đó giờ bị sốt xuất huyết thì khả năng gặp sốc phản vệ cao hơn nhóm chưa từng nhiễm Covid-19.

Trong thời gian gần đây, một số cơ sở y tế đã tiếp nhận các trường hợp mắc hội chứng viêm đa hệ thống hậu Covid-19 kèm theo bệnh sốt xuất huyết. Cho tới nay, chưa có nghiên cứu rõ ràng về những trường hợp này nhưng các chuyên gia nhận thấy trẻ từng mắc Covid-19 trước đó giờ mắc sốt xuất huyết thì khả năng gặp sốc cao hơn nhóm chưa từng nhiễm Covid-19. Từ đó có thể thấy Covid-19 có khả năng gây ảnh hưởng tới độ nặng của sốt xuất huyết. Quá trình điều trị cho các trường hợp này cũng rất khó khăn. Khi viêm đa hệ thống hậu Covid-19 sẽ được điều trị chống viêm bằng corticoid hoặc dùng thêm các thuốc chống đông. Trong khi đó, corticoid và thuốc chống đông lại không được phép sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết. Vì những loại thuốc này có thể khiến tình trạng xuất huyết nặng hơn gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Chuyên gia cũng cảnh báo, trẻ có thể bị sốt xuất huyết ngay cả khi trẻ không có các triệu chứng điển hình của bệnh. Trẻ có thể bị sốt không cao hoặc không sốt liên tục nhưng trẻ vẫn có nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Phụ huynh cần chú ý tới các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện bệnh kịp thời. Khi nhập viện trễ quá trình điều trị rất khó khăn và trẻ có thể bị sốc kéo dài, gặp các biến chứng nặng từ cơ quan hô hấp, tiêu hóa, thận, não, gan... thậm chí là tử vong. Do đó, phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới các trẻ đã từng mắc Covid-19, nhóm trẻ mắc phải hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C trong mùa sốt xuất huyết này.

Ngay khi trẻ gặp các triệu chứng như sốt cao, nôn ói, chảy máu mũi, máu răng; tiêu chảy, đi cầu phân đen; mệt mỏi... thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám, xét nghiệm để sàng lọc sốt xuất huyết. Các bác sĩ cần phải khai thác bệnh sử của trẻ cẩn thận khi tiếp nhận trẻ có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết. Cần xét nghiệm thêm phản ứng viêm, cân nhắc cẩn trọng để có hướng điều trị thích hợp cho trẻ có biểu hiện của sốt xuất huyết Dengue trên nền bệnh viêm đa hệ thống liên quan đến Covid-19.

Không để dịch bùng phát, lan rộng

Liên quan đến vấn đề này, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh nhận biết về bệnh sốt xuất huyết, các dấu hiệu cảnh báo nặng cần tái khám ngay và thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt. Đồng thời, củng cố duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với dịch sốt xuất huyết.
Người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với dịch sốt xuất huyết.

Theo Bộ Y tế, dự báo, thời gian tới, số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng gia tăng do đang vào cao điểm mùa dịch, đặc biệt là tại khu vực miền Nam. Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type ký hiệu: D1, D2, D3, D4. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng type riêng lẻ. Do đó, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời, với 4 type virus khác nhau.

Để nâng cao hiệu quả, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương. Đặc biệt là các tỉnh, huyện, vùng “nóng” ghi nhận số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao để tập trung hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và hóa chất, vật tư phòng dịch…

Cục Y tế Dự phòng đề nghị ngành y tế các tỉnh, TP thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (ngày 15/6/2022) với chủ đề “Đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết”.

Trong đầu năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lưu ý, số ca bệnh sốt xuất huyết đã tăng “30 lần trong vòng 50 năm qua” và cảnh báo dịch bùng phát ở những khu vực mới. Biện pháp phòng bệnh truyền thống và hiệu quả nhất hiện vẫn là lật úp các vật dụng chứa nước không sử dụng.

Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành y tế, mỗi người dân, gia đình, hằng ngày, hằng tuần nên thực hiện vệ sinh môi trường, loại bỏ vật dụng chứa nước, tổ chức diệt loăng quăng, bọ gậy, muỗi. Không có loăng quăng, bọ gậy, không có muỗi vằn sẽ không có sốt xuất huyết.

 

Tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 12/6, cả nước ghi nhận 52.572 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó có 29 trường hợp tử vong tại 11 tỉnh, TP: Bình Dương (7), TP Hồ Chí Minh (6), Tây Ninh (6), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1) và Hậu Giang (1).

So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 74,9% và tử vong tăng 24 trường hợp. Đặc biệt, tại khu vực miền Nam, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua (từ ngày 6 đến 12/6) chiếm 83,3% số ca mắc cả nước, và 29 ca tử vong đều ở khu vực miền Nam. Tỷ lệ số ca mắc/100.000 dân của khu vực miền Nam cũng cao nhất cả nước (103,6/100.000 dân).

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần