Không chủ quan với bệnh cúm A/H1N1

PGS.TS Trần Đắc Phu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cúm A/H1N1 là một chủng virus cúm A (các chủng virus H1N1, H5N1 và H7N9) và là nguyên nhân của hầu hết bệnh cúm trên người. Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với đồ vật có chứa virus rồi qua tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

 Tiêm chủng là biện pháp phòng cúm hiệu quả.
Dấu hiệu nhiễm bệnh
Do khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài của loại virus này rất cao, nên tốc độ lây truyền của cúm H1N1 vô cùng mạnh mẽ. Virus cúm H1N1 trong điều kiện bình thường có thể sống từ 24 - 28 tiếng, trong môi trường nước có thể lên tới 4 ngày ở nhiệt độ phòng và 30 ngày ở 0 độ C. Triệu chứng bệnh cúm A/H1N1 giống như cúm mùa bao gồm: Sốt, đau cổ họng, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ. Khoảng gần 50% bệnh nhân còn đau bụng, buồn nôn hay tiêu chảy. Mặc dù là cúm mùa thông thường, nhưng cúm H1N1 cũng có thể gây bệnh cảnh nặng hơn như viêm phổi khiến bệnh nhân ho nhiều, thở nhanh, khó thở, chụp Xquang cho thấy có tổn thương phổi. Một số bệnh nhân có triệu chứng của suy hô hấp cấp (ARDS), phù phổi và tử vong. Vì vậy, bệnh nhân không được chủ quan khi mắc cúm.

Người mang virus cúm A có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan nhanh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ…

Đối tượng dễ mắc cúm

Trẻ em dưới 5 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ mang thai là những đối tượng dễ mắc cúm. Bên cạnh đó, những người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, béo phì, ung thư, HIV/AIDS hay các hội chứng suy giảm miễn dịch khác cũng dễ nhiễm bệnh.

Nếu không có nguy cơ diễn tiến nặng, bệnh nhân cúm hoàn toàn có thể được điều trị tại nhà và tự khỏi trong vài ngày. Bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc kháng virus. Theo dõi sát các biểu hiện của bệnh và đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng nặng như sốt cao, ho nhiều, tức ngực, khó thở…

Phòng chống cúm trong bệnh viện

Phòng chống cúm và các bệnh truyền nhiễm khác trong bệnh viện (BV) là một trong những nội dung của kiểm soát nhiễm khuẩn BV. Tại các BV, nhân viên y tế và các nhân viên phục vụ khác được yêu cầu tuân thủ việc vệ sinh tay và phòng hộ chuẩn để tránh lây lan bệnh giữa các bệnh nhân và giữa bệnh nhân với nhân viên.

Vệ sinh khử khuẩn được thực hiện theo quy trình bắt buộc. Bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm được điều trị ở khu vực riêng, có quy định cách ly tùy theo bệnh. Bộ Y tế đã có quy định về khai báo dịch bệnh truyền nhiễm bắt buộc đối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, qua đó kịp thời nắm bắt thông tin và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.

7 cách phòng bệnh mà Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

1. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

2. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.

3. Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

4. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

5. Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.

6. Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1m nếu phải tiếp xúc với người bệnh.

7. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế