95 năm ngày thành lập đảng

Không chủ quan với cúm mùa

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cúm mùa thường xảy ra vào thời tiết lạnh, đặc biệt, giai đoạn chuyển mùa Đông Xuân là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không chủ quan, sớm nhận biết dấu hiệu, tránh biến chứng, nhất là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.

Mức độ nguy hiểm của cúm mùa

Trong những ngày qua, bệnh cúm có chiều hướng gia tăng. Trung bình mỗi ngày, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận, điều trị khoảng 10 ca mắc cúm, trong đó có những ca biến chứng nặng.

Còn tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trong năm 2024 và tính đến thời điểm hiện nay, đơn vị đã điều trị cho hàng nghìn ca bệnh cúm mùa, trong đó có nhiều trường hợp nặng, phải thở máy.

Bệnh nhân cúm mùa suy hô hấp phải thở máy đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân cúm mùa suy hô hấp phải thở máy đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Đơn cử, nam bệnh nhân T.V.L., 78 tuổi (Từ Liêm, Hà Nội) được chuyển từ bệnh viện gần nhà đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, khó thở mỗi lúc một tăng. Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, bệnh Alzheimer, test dương tính cúm A.

Trước tình trạng bệnh nhân bị suy hô hấp, bác sĩ đã phải cho mở nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy và điều trị tích cực. Hiện Trung tâm đang điều trị cho nhiều bệnh nhân cúm có dấu hiệu trở nặng, trong đó, đa phần là người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu và một số trường hợp là phụ nữ mang thai.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong năm 2024, TP ghi nhận 7.133 ca mắc. Tháng 1/2025, có hơn 800 trường hợp mắc cúm, không có ca bệnh tử vong. CDC Hà Nội nhận định, trên địa bàn hiện chưa ghi nhận sự gia tăng bất thường số trường hợp mắc và tử vong do bệnh cúm mùa.

Trước tình hình bệnh cúm mùa có xu hướng gia tăng gần đây, Hà Nội đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp sốt, nghi nhiễm cúm.”

Mặt khác, các địa phương giám sát chặt chẽ các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời cấp cứu, điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong.

Thực tế, cả nước ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc cúm mùa phải thở máy, đã có trường hợp tử vong. Những bệnh nhân nặng thường là những đối tượng người già, có bệnh nền.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khám cho bệnh nhân cúm mùa là phụ nữ mang thai.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khám cho bệnh nhân cúm mùa là phụ nữ mang thai.

Đề cập đến mức độ nguy hiểm của cúm mùa, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, thời gian gần đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận nhiều bệnh nhân cúm mùa nhập viện với các biến chứng nặng, hay xảy ra trên các bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, nội tiết, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch,..

Bệnh cúm mùa (seasonal flu) đã có từ rất lâu ở hầu hết các nơi trên thế giới, thường gây ra bởi virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp.

Ở trên người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt, các biểu hiện cúm thường nhẹ như sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt và nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ và uống thuốc cảm cúm thông thường thì thường tự khỏi và không phải nhập viện.

Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi, virus sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao.

Phân biệt rõ triệu chứng

PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý, người dân cần phân biệt rõ triệu chứng cảm lạnh và bệnh cúm. Cảm lạnh là cơ thể bị nhiễm gió lạnh, mưa lạnh thường gây mệt mỏi qua loa vài ngày tự khỏi.

Còn cúm là bệnh do tác nhân virus cúm gây ra các triệu chứng đường hô hấp như ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở,... và có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị.

Thông thường, người mắc bệnh cúm mùa có thể hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người lớn tuổi hay những người mắc bệnh tim, phổi, thận mạn tính, mắc bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch,... thì bệnh cúm mùa có thể diễn biến nặng hơn, dễ gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Người cao tuổi điều trị cúm A tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.
Người cao tuổi điều trị cúm A tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Những trường hợp này cần thận trọng hơn trong phòng bệnh cúm và nếu mắc bệnh nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.

TS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư cảnh báo, nhóm tuổi mắc bệnh cúm hiện nay là trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi. Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, hoặc trẻ có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hoá, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… khi mắc cúm mùa có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm.

Các biến chứng chủ yếu là suy hô hấp, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát…, thậm chí làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh nhi mắc bệnh nền, gia tăng nguy cơ tử vong.

Do đó, cha mẹ cần nhận biết sớm các triệu chứng của cúm mùa để chủ động xử trí và đưa trẻ đến bệnh viện khám kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Theo CDC Hà Nội, tiêm vaccine cúm là biện pháp chủ động để phòng bệnh. Tuy nhiên, virus cúm thường hay thay đổi kháng nguyên, do vậy chúng ta cần đi tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm 1 lần. Tháng 9, 10 hằng năm được cho là thời điểm thích hợp tiêm phòng cúm, mục đích là để cơ thể có miễn dịch với bệnh này trước khi thời tiết chuyển sang mùa Đông Xuân.

Với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, nếu mắc cúm mùa cần phải được theo dõi chặt chẽ, vì virus cúm ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai có thể gây dị dạng thai. Vì vậy, phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động tiêm vaccine phòng cúm, kể cả khi đã có thai vẫn có thể tiêm được vaccine cúm.