Không chủ quan với tổ hợp thiên tai bất lợi trên biển Đông

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 3/9, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp nhận định tình hình và triển khai công tác ứng phó với diễn biến phức tạp của tổ hợp thiên tai bất lợi trên biển Đông.

Mưa lũ bao trùm Trung Bộ 
Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, sáng nay (3/9), áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã đổ bộ đất liền Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 9. Trong khi đó, hồi 7h sáng nay, ATNĐ trên khu vực giữa biển Đông cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km. Theo ông Khiêm, khoảng 3 ngày tới, khả năng bão số 5 sẽ hình thành trên vùng đảo Hải Nam.
 Đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai mô tả vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới 
 
Do ảnh hưởng của ATNĐ, từ ngày 3 - 6/9, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (phổ biến 300 - 500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế 500-700 mm/đợt); khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (200 - 300mm/đợt), Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông (100 - 150 mm/đợt).
Từ ngày 3 - 6/9, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị lên mức báo động (BĐ) 2 - BĐ3, vùng thượng lưu các sông và các sông suối nhỏ lên trên mức BĐ3; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1 - BĐ2; các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi dao động trên dưới mức BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp, đô thị các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên.Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất:  Cấp 1.
Vẫn còn tàu thuyền hoạt động trên biển 
Liên quan tới tình hình phương tiện, tàu thuyền, Đại tá Trần Văn Đình – Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết, những ngày qua, Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.462phương tiện/312.630 ngườibiết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. 
Trong đó, hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa: 111 tàu/814 người (Quảng Ngãi 23 tàu/196 người; Bình Định 88 tàu/618 người), các phương tiện đã nắm được thông tin về ATNĐ và đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm. Hoạt động ở khu vực biển khác: 4.279 tàu/31.513 người. Trong khi đó, neo đậu tại các bến từ Quảng Ninh đến Khánh Hòacó67.072 tàu/280.303 người.
Mặc dù vậy, hiện vẫn còn một số tỉnh có phương tiện, tàu thuyền hoạt động. Cụ thể, ven bờ tỉnh Quảng Ngãi có 23 tàu thuyền/196 ngư dân neo đậu ở quần đảo Hoàng Sa. Tại tỉnh Bình Định: 88/618 ngư dân hoạt động trên biển, đang giữ liên lạc để hướng dẫn di chuyển cho các tàu di chuyển xuống phía Nam tránh ảnh hưởng của ATNĐ.   
Lo cho an toàn hồ chứa
Trước diễn biến mưa lớn những ngày qua, khu vực Bắc Bộ hiện có 15/89 hồ chứa thuỷ điện đang vận hành xả qua tràn; khu vực Bắc Trung Bộ có 5/22 hồ đang vận hành xả qua tràn; khu vực Tây Nguyên 9/67 hồ đang vận hành xả qua tràn. Các hồ vận hành bình thường theo đúng quy trình. 
Liên quan tới vấn đề hồ chứa thuỷ lợi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, hiện, các hồ khu vực Bắc Bộ ở mức 70 - 90% dung tích thiết kế; khu vực Bắc Trung Bộ ở mức 40 - 60% dung tích thiết kế; khu vực Tây Nguyên ở mức 65 - 80% dung tích thiết kế. 
Hiện, có 8 hồ đang vận hành xả tràn là Hồ Tràng Vinh (Quảng Ninh): 65 m3/s; Đầm Hà Động (Quảng Ninh): 30 m3/s; Chúc Bài Sơn (Quảng Ninh): 20 m3/s; Vực Mấu (Nghệ An): 5 m3/s; Ayun Hạ (Gia Lai): 5m3/s; Ia Mơr (Gia Lai): 13 m3/s; Ia Ring (Gia Lai): 5 m3/s; Ea Soup thượng (Đắk Lắk): 40 m3/s.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, dù mực nước các hồ chứa thuỷ lợi khá thấp, thậm chí nhiều hồ đang cạn khô. Tuy nhiên, nếu mưa diễn ra với cường độ và lưu lượng lên tới 500 – 700mm/đợt thì vấn đề hồ chứa cũng rất quan ngại. Sở dĩ vậy là bởi mưa lớn cục bộ có thể gây vỡ đập các hồ đất, hồ bị hư hỏng, xuống cấp.
Duy trì gần 40 vạn lực lượng ứng trực 
Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai bất lợi, ngày 2/9, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 15/CĐ-TW gửi các tỉnh, TP khu vực ven biển và khu vực Tây Nguyên đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với ATNĐ, gió mạnh trên biển và mưa lớn diện rộng.
Hiện, các bộ ngành, địa phương đang duy trì 377.479 bộ đội, dân quân/2.336 phương tiện sẵn sàng ứng phó ATNĐ. Trong đó, riêng Bộ đội Biên phòng các tỉnh tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa duy trì 7.760 cán bộ chiến sĩ/281 phương tiện.
19 tỉnh, TP khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với ATNĐ và mưa lũ. Trong đó, có 10 tỉnh đã tổ chức cấm biển (Quảng Ninh và các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi).
Hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai 
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cảnh báo, ATNĐ đang hoạt động trên đất liền có thể hợp với ATNĐ trên khu vực biển Đông và khiến thời tiết trở nên phức tạp hơn. Chính vì vậy, các bộ ngành, địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên cần đặc biệt chú ý, đề phòng các nguy cơ có thể xảy ra. 
 Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp 
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục thông tin kịp thời diễn biến của ATNĐ để các phương tiện, tàu thuyền biết, chủ động phòng tránh. Đặc biệt, không để người dân quay lại lồng bè, chòi canh; đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch trên trên các đảo.
Nhấn mạnh hoàn lưu sẽ gây mưa ít nhất đến ngày 6/9, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương huy động lực lượng, hỗ trợ người dân thu hoạch nhanh nhất 22.000ha lúa Hè Thu. Chủ động tiêu thoát nước đệm, hạn chế thiệt hại về sản xuất. 
Liên quan đến vấn đề hồ chứa, ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn cho các hồ đất, hồ xung yếu, các hồ đã xuống cấp nhiều năm chưa được sửa chữa. “Các hồ tích nước nhưng phải an toàn, phải quản trị tốt. Đề nghị ngay hôm nay, Tổng cục Thuỷ lợi cử đoàn đi kiểm tra an toàn các hồ chứa…” – ông Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo. 
Riêng đối với khu vực miền núi, trung du và Tây Nguyên, đại diện Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai yêu cầu triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy lũ quét, sạt lở đất. Khơi thông ngay các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy; tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, sạt lở. Đồng thời, sẵn sàng phương án đảm bảo giao thông, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần