Đây là thông điệp quan trọng được các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị tại hội thảo quốc tế “Nắm bắt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” do WB và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức ngày 15/6. Hội nghị có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân Chiếm tỷ trọng 40% GDP và 30% tổng kim ngạch buôn bán hàng hóa toàn cầu, TTP đã thực sự là Hiệp định tương mại toàn diện nhất từng hoàn tất từ trước đến nay. Gần đây, Việt Nam cũng đã đàm phán xong Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Vì sao gọi là Hiệp định thế hệ mới? Theo bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch khu vực Đông Á Thái Bình Dương của WB, hai hiệp định thương mại nêu trên không chỉ đề cập vấn đề thâm nhập thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư truyền thống…
Ngay khi có hiệu lực, trên 65% dòng thuế nhập khẩu lập tức về 0%, các mặt hàng còn lại sẽ theo lộ trình. Các vấn đề như quy tắc xuất xứ, quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, quy trình xử lý tranh chấp, DN Nhà nước… sẽ phải thay đổi. “Hội nhập, Việt Nam sẽ có cơ hội, tuy nhiên, cơ hội tự nó không biến thành lợi ích; cơ hội luôn đi kèm với thách thức và chỉ đến với ai khởi động sớm và nỗ lực” - bà Kwakwa khuyến nghị. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cơ hội từ TPP hay FTA VN - EU vẫn đang nằm trên các văn bản hiệp định, còn rủi ro, thách thức có vẻ đã hiện hữu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực chuẩn bị để có một tâm thế vững chắc để có thể hội nhập thành công.
DN Việt Nam đã chuẩn bị được gì? TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, qua điều tra 1.500 DN sản xuất, VCCI đã đưa ra kết luận rằng: “DN Việt Nam đã sẵn sàng hơn cho 2 hiệp định trên nhưng chưa đủ sẵn sàng”. Lý do, bởi cam kết rất phức tạp, đơn cử như nội dung của các hiệp định với 30 chương gồm 1.200 – 6.000 trang văn bản, ngôn ngữ hàn lâm. Một vấn đề có thể được nêu ở nhiều cam kết, nhiều thuật ngữ mới kể cả trong bản dịch. Ngoài ra, các hướng dẫn đã có nhưng vẫn còn quá ít, chưa có hưỡng dẫn TPP trong các lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, đại diện VCCI còn chỉ ra một số cản trở DN tận dụng cơ hội và cải thiện năng lực sản xuất như thông tin cam kết và thực thi từ phía cơ quan Nhà nước, chính sách thuế, tình trạng nhũng nhiễu, thủ tục hải quan, tay nghề lao động. Hiện nay, hơn 70% xuất khẩu của Việt Nam vẫn từ DN FDI, trong nước chỉ chiếm 30%. Rõ ràng, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các DN nhỏ và vừa đang trở nên vô cùng khẩn thiết hiện nay. Bà Mona Haddad - Giám đốc khu vực Khối Thương mại và Cạnh tranh (WB) nhận xét, và cho rằng, TPP cũng đặt ra rất nhiều thách thức đối với quá trình cải cách DNNN ở Việt Nam, để tạo cơ hội phát triển và cạnh tranh bình đẳng cho khối DN tư nhân, hỗ trợ tối đa cho khu vực tư nhân phát triển, theo tinh thần của một Nhà nước kiến tạo mà Việt Nam đang xây dựng… Cần sớm chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới Theo các chuyên gia kinh tế của WB, vấn đề cốt lõi của Việt Nam là phải thâm nhập và đạt được chỗ đứng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vì với việc ký kết và tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại kinh tế, mức độ hội nhập và kết nối của nền kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới đã ở mức rất cao, Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đạt được vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu nếu muốn phát triển. Để thực hiện được mục tiêu đó, Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới. Ông Richar Record - chuyên gia Kinh tế cao cấp của WB cho rằng, chính các DN tư nhân cũng cần phải tự nâng cấp và tự nâng cao năng lực cạnh tranh để đủ điều kiện trở thành nhà cung cấp nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng… để không chỉ trở thành đối tác của các DN FDI, mà còn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn hết là cần phát huy tính chủ động trong mọi tình huống, chủ động đổi mới công nghệ và thiết bị máy móc, chủ động nâng cao trình độ sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường và phát kiến thêm những sản phẩm, dịch vụ mới đa dạng, phong phú và đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng mà khách hàng và thị trường sẽ ngày càng đòi hỏi khắt khe và chuẩn mực hơn Các chuyên gia đánh giá, cùng với việc Chính phủ Việt Nam đang điều chỉnh chính sách để thúc đẩy giới DN trong nước phát triển, quá trình đô thị hóa, chuyển đổi lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp sang các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ, Chính phủ có thể làm là liên tục hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia và có tư duy mới. Cải thiện môi trường kinh doanh, công khai minh bạch, làm sao để tạo thuận lợi nhiều nhất cho DN và từ tư duy đó sẽ thay đổi cách làm của Chính phủ. Nếu đặt hàng hóa dịch vụ, DN vào môi trường cạnh tranh thì từ đây trở đi cũng phải đặt Chính phủ vào môi trường cạnh tranh. Chính phủ Việt Nam phải cạnh tranh với Chính phủ của các nước trong khu vực về chất lượng thể chế và chất lượng điều hành.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Minh Dũng |
Chính phủ Việt Nam đã nhất trí sẽ trình Quốc hội xem xét để phê chuẩn Hiệp định TPP vào kỳ họp Quốc hội sắp tới. Hiện, Việt Nam đã và đang làm nhiều việc để chuẩn bị cho việc thực thi TPP, như rà soát hệ thống pháp luật của Việt Nam và thông qua kế hoạch sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những bộ luật, tạo thể chế chính sách để đáp ứng các cam kết hội nhập, làm tiền đề để Việt Nam hội nhập thành công. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ Với Việt Nam, việc cần làm ngay để giúp các DN có thể tận dụng được các hiệp định đang và chuẩn bị vận hành là phải sớm thành lập Ủy ban quốc gia về thuận lợi hóa thương mại, sẽ tạo được điểm liên lạc cho các bên thực hiện, để những người cung ứng dịch vụ công (là Nhà nước) và người sử dụng (DN) có thể hợp tác chặt chẽ, đạt được mục tiêu. Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Mỹ Herb Cochran |
Sáng cùng ngày, tại Hội nghị bàn tròn kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc do Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Tập đoàn truyền thông Maekyung Media tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: Các dự án tỷ USD là đáng quý nhưng về lâu dài, đáng quý hơn nữa là sự chia sẻ công nghệ cao giữa Hàn Quốc và Việt Nam để phát triển nền công nghiệp phụ trợ, gia tăng giá trị nội địa của Việt Nam. Bên cạnh nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, Chính phủ Việt Nam cũng đòi hỏi các DN trong nước nỗ lực xây dựng văn hóa DN và đạo đức kinh doanh liêm chính, phát triển trên tinh thần đổi mới và sáng tạo. |