Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không có ai khổ bằng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước mặt là căn nhà “ không cột” của gia đình ông Hà Văn Hiếm dân tộc Mường, sinh năm 1954, trú tại buôn KPông, xã Cưu Pui, huyện Krông Bông, Đăk Lăk, một cựu binh “ không có ai khổ bằng”.

Dưới cái nắng oi nồng của buổi trưa mùa khô tháng 3 Tây Nguyên, theo tỉnh lộ 12 cung đoạn giáp ranh 2 xã Hoà Phong và Cư Pui đầy ổ “ trâu” ổ “ voi” nham nhở bụi mù mịt, hỏi thăm đám người đang trú nắng dưới những bóng cây bụi bám bạc phếch lúp xúp ven đường.

Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi cua vào con ngõ dốc dựng đứng, trước mặt là căn nhà “ không cột” của gia đình ông Hà Văn Hiếm dân tộc Mường, sinh năm 1954, trú tại buôn KPông, xã Cưu Pui, huyện Krông Bông, Đăk Lăk, một cựu binh “ không có ai khổ bằng”. 

Lúc chúng tôi đến, ông Hà Văn Hiếm đang lui cui buộc dây mũi con bò vào róng cổng. Đứa con trai lớn cởi trần, gầy hốc hác, da đen nhẻm râu ria lởm chởm đang bế đứa con của đứa em gái mới sinh còn đỏ hỏn, khóc ngằn ngặt vì khát sữa, mắt anh ta lấm la lấm lét nhìn chúng tôi miệng cười khềnh khệch.

Nghe chúng tôi gọi, ông Hiếm chầm chậm đi vào với ánh mắt dò xét, nét mặt đăm chiêu của ông thoáng lên sự cương nghị, rắn rỏi của người đã đi qua nhiều nỗi đau khổ trong cuộc đời.
Gia đình ông Hà Văn Hiếm, trú tại buôn KPông, xã Cưu Pui huyện Krông Bông, Đăk Lăk
Gia đình ông Hà Văn Hiếm, trú tại buôn KPông, xã Cưu Pui huyện Krông Bông, Đăk Lăk
Hồi tưởng lại quá khứ, ông Hiếm kể cho chúng tôi nghe về quá trình gia nhập quân ngũ của mình bằng một giọng hùng hồn đúng chất của người lính. Năm 1972, ông tham gia quân ngũ, C1 tiểu đoàn 71 đoàn 384, đóng quân tại đường 9 Nam Lào rồi sang Sa Va Na Khet của nước bạn Lào. Chiến trường thời đó ác liệt lắm, cứ vào sáng sớm hay chiều tối, từng tốp máy bay vận tải của Mỹ lại bay ù ù ngay trên đầu. Từ sau cánh máy bay, chúng phun ra những dải sương mù trắng đục bay là là trên những ngọn cây, nương rẫy. Chúng tôi vẫn chiến đấu và sinh hoạt trong những làn sương mù ấy. Khi đó, nào ai biết đấy là thứ chất độc chết người...”. Kể đến đây giọng ông chợt chùng xuống và thở dài. Đến năm 1978, sau khi đất nước đã thống nhất, ông phục viên về quê hương Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá rồi kết hôn với cô gái cùng tên ở trong làng đó là Phạm Thị Hiếm. Hạnh phúc cứ ngỡ rồi sẽ êm đềm… Thế nhưng, thứ chất độc da cam chết người ấy đeo bám dai dẳng theo ông suốt những năm tháng còn lại.

Bốn đứa con của ông ra đời trong tình yêu thương nhưng cả bốn người con đều chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, thần kinh không bình thường, cả ngày chỉ biết “ra ngẩn vào ngơ”.

Đứa lớn sinh năm 1979 năm nay đã tròn 35 tuổi, ở lứa tuổi này, đáng lẽ con ông đã cưới vợ, làm cha và ông bà chí ít cũng đã có đứa cháu nội để bồng bế. Thế nhưng ông vẫn phải chăm chút từng miếng cơm, cốc nước, manh áo, tấm quần cho con. Ba đứa con gái lại sau, mỗi đứa đều mang một chứng bệnh khác nhau, đứa thì yếu tim, đứa thì bị đau khớp suốt ngày đêm. Đáng tội thay, đứa con gái thứ hai sinh năm 1982 yếu tim bẩm sinh lấy chồng tận xã Yang Mao nhưng ốm yếu không lao động được bị chồng ruồng rẩy, đánh đập vài năm nay phải ẳm 2 đứa con về ở với ông bà ngoại.

Các con của ông, khi sinh ra đều khỏe mạnh, bình thường, thế nhưng một vài năm sau thì cơ thể có những dấu hiệu phát triển chậm lại, chậm đi, chậm nói thần kinh bất ổn.

Hoang mang, lo sợ, ông bà đã đi chạy chữa khắp nơi, thậm chí kể cả nhờ các thầy bói, thầy cúng lễ bái vì thời đó còn chưa biết, chất độc da cam là gì. Sau này, khi các đoàn thể đến thăm, tìm hiểu và đưa các con đi xét nghiệm, ông bà mới biết con mình bị ảnh hưởng chất độc da cam mà ông đã nhiễm trong chiến tranh.

Ông Hiếm bùi ngùi tâm sự: “ Gia đình làm hồ sơ cho các con để được hưởng chế độ chất độc màu da cam nhưng đến nay đứa con trai đầu mới được hưởng chế độ mỗi tháng 1.200.000 đồng, còn mấy đứa con gái chờ mãi mà vẫn chưa thấy, gia đình cũng đang mòn mỏi trông chờ. Bản thân tôi lại là một bệnh binh nặng, khi trái gió trở trời, các vết thương tái phát hành hạ, nhiều đêm trăn trở không tài nào chợp mắt nổi”.

Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình ông Hiếm, ông Nguyễn Duy Chúc một cựu chiến binh cũng một thời vào sinh ra tử, nay ở Thôn Điện Tân, xã Cư Pui chia sẻ: “ Gia đình ông Hiếm thuộc diện hộ nghèo của xã, là một người cựu chiến binh có hoàn cảnh thật đáng thương. Ngôi nhà của ông đã bị gió lốc giật đổ năm 2012 nhưng đến nay không biết làm sao để sửa sang được. Mấy đứa con của ông bệnh tật đau ốm liên miên, may mà hiện nay vợ chồng ông đang còn chút sức khoẻ lo cái ăn, cái mặc hàng ngày. Thế nhưng, hàng ngày phải đối diện với nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần của bản thân mình và những đứa con như vậy ai mà không đau xót. Nhiều lúc chúng tôi nghĩ, sau này, khi vợ chồng ông già yếu không lao động được nữa, ai sẽ là người chăm sóc các con ông; tương lai của chúng nó rồi sẽ ra sao?”.

Da cam – thứ chất độc giết người mang cái tên tưởng như “mỹ miều” ấy thật khủng khiếp và đáng sợ, nó khiến cho hàng triệu người phải cùng chung một nỗi đau. Và những con người trực tiếp gánh chịu nỗi đau ấy như gia đình của ông Hiếm cũng thật dũng cảm và can trường biết nhường nào... Để có một cuộc sống ổn định, gia đình ông Hà Văn Hiếm rất cần sự chung tay góp sức của những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh.                

Mọi sự giúp đỡ xin được gửi về ông Tâm, Chủ tịch xã Cư Pui, ĐT: 0987574809