Không có chuyện bảo kê cho “cát tặc”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú, liên quan đến việc...

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú, liên quan đến việc Bộ Công an tổ chức triệt phá thành công ổ nhóm khai thác cát trái phép quy mô lớn trên sông Hồng (đoạn đi qua huyện Phúc Thọ) tại “Hội nghị Giao ban báo chí” do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều 18/11.

Lãnh đạo huyện Phúc Thọ cho biết, hoạt động khai thác cát của các đối tượng chủ yếu diễn ra vào ngày nghỉ, ngày lễ, vào ban đêm và sáng sớm trên địa bàn sông nước nên gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý vi phạm. Đồng thời sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn chưa thống nhất, chưa đồng bộ và kịp thời. 

Hơn nữa, đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường của công an huyện còn hạn chế, đa số mới ra trường nên chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu, thiếu phương tiện để tiếp cận kịp thời xử lý vi phạm. Lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện không được cấp trang thiết bị tuần tra, kiểm soát trên sông, không có thẩm quyền tuần tra kiểm soát đường thủy…

 
Không có chuyện bảo kê cho “cát tặc” - Ảnh 1

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú trả lời câu hỏi của PV tại “Hội nghị Giao ban báo chí” chiều 18/11.

 
Ông Phú nói: “Mặc dù huyện kiên quyết xử lý nhưng do “lực bất tòng tâm” nên “dù Nhân dân kiến nghị nhiều lần mà chúng tôi không làm được. Điều này làm chúng tôi rất khổ tâm. Sau khi triệt phá thành công hoạt động này, người dân rất phấn khởi.” 

Bên cạnh đó, hiện đang có sự chồng chéo trong việc quản lý khai thác cát trên địa bàn huyện Phúc Thọ và địa bàn huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Cụ thể là ngày 8/9/2014, Công an huyện phối hợp với phòng PC 68 (CATP) kiểm tra tàu cuốc số hiệu PT-1832 đang có hành vi hút cát từ lòng sông Hồng lên tàu. Chủ tàu là Nguyễn Văn Hiển trình bày đang khai thác ở địa bàn huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Khi liên lạc với huyện Yên Lạc để xác minh thì huyện Yên Lạc khẳng định đấy là địa phận của họ, do đó huyện Phúc Thọ đã giao cho Công an huyện Yên Lạc xử lý. Nhưng cũng tại vị trí này, ngày 8/11/2014, khi lực lượng của Bộ Công an phối hợp với công an huyện Phúc Thọ bắt số tàu cuốc hút cát nói trên thì phía huyện Yên Lạc lại khẳng định địa phận đó thuộc TP Hà Nội. Do vậy các đối tượng đã lợi dụng để khai thác cát trái phép.

Vì vậy, UBND huyện Phúc Thọ đề nghị UBND TP Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất xác định mốc giới, xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Vĩnh Phúc với TP Hà Nội; giữa huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc với huyện Phúc Thọ. Huyện sẽ chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác thanh tra, tuần tra, kiểm tra, xử lý quyết liệt, giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm phát luật về môi trường. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trước đó, ngày 8/11, lực lượng của Bộ Công an (CA) đã phối hợp với Công an huyện Phúc Thọ tổ chức mật phục, bao vây, triệt phá ổ nhóm hoạt động khai thác cát trái phép quy mô lớn trên sông Hồng (đoạn đi qua huyện Phúc Thọ). Qua điều tra, công an xác định và bắt giữ 20 tàu khai thác và 16 tàu chuyên chở cát trái phép, thu giữ nhiều tang vật liên quan, trong đó có cả vũ khí.